Cảnh báo cháy, nổ

Hiện ở TP HCM có nhiều nhà ven kênh, hẻm nhỏ hoặc nơi đông đúc dân cư luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất lớn, trong khi địa hình lại cản trở hoạt động PCCC

Sáng 2-4, chúng tôi trở lại con hẻm 124, đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8 (TP HCM). Một dãy nhà cháy ven kênh Tàu Hủ đã tan hoang, khói bốc nghi ngút, xen lẫn là những tấm tôn cong vênh nằm trên đồ đạc đã cháy đen.

Nhanh chóng hỗ trợ người dân

Đêm hôm trước (1-4), lửa bốc lên từ bãi chứa vật liệu gỗ rộng 320 m2 phía sau căn nhà trong hẻm 124, sát bờ sông (đoạn giữa khu vực cầu Chữ Y và Nguyễn Văn Cừ). Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) - Công an TP HCM, vào 19 giờ 40 phút, PC07 nhận được tin báo cháy ở hẻm 124 nên đã điều động xe và cảnh sát chữa cháy đến hiện trường. Đến 20 giờ 50 phút, ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn.

Thống kê ban đầu, tổng diện tích cháy là 470 m2. Chất cháy chủ yếu là vật liệu gỗ cũ và đồ dùng trong gia đình. Trong đó có 2 hộ dân bị cháy nhà, 1 hộ kế bên bị ảnh hưởng nặng và 6 hộ xung quanh bị ảnh hưởng. Cảnh sát bảo vệ được dãy nhà phía trước khoảng 1.120 m2 nhưng dãy nhà liền kề phía bên phải của nơi phát cháy đã cháy hoàn toàn, song không thiệt hại về người. Riêng nguyên nhân gây cháy đang được lực lượng chức năng điều tra.

Bà Hồ Thị Liễu (quê tỉnh Đồng Tháp) gắn bó với người dân khu đồ gỗ đường Phạm Thế Hiển gần 20 năm, cho biết nhiều năm trước bà từ miền Tây lên TP HCM lập nghiệp đã thuê đất mở cửa hàng ngay bên trong con hẻm xảy ra cháy. Được một thời gian bà trả mặt bằng dọn ra mặt đường Phạm Thế Hiển. Theo bà, hẻm 124 chủ yếu là dân tứ xứ về đây sinh sống. Người dân chủ yếu là mua đồ gỗ về sửa, tận dụng những cây gỗ, tấm ván cũ đóng thành bàn ghế, tủ... để bán lại.

Tại cuộc họp báo vào chiều 2-4, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Phạm Quang Tú ghi nhận lực lượng chức năng đã hỗ trợ 279 triệu đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ cháy. Qua điều tra ban đầu, xác định điểm cháy xuất phát từ bãi chứa vật liệu gỗ cũ phía sau nhà không số. Ngoài ra, ngay trong đêm 1-4, UBND quận đã chỉ đạo UBND phường bố trí chỗ nghỉ tạm thời, cung cấp vật dụng sinh hoạt cá nhân, thực phẩm... cho các hộ dân trong thời gian khắc phục thiệt hại.

"Trong thời gian tới, quận sẽ tập trung ổn định cuộc sống người dân, tiếp tục vận động chăm lo cho các trường hợp bị ảnh hưởng. Đồng thời tổ chức họp rút kinh nghiệm trong công tác triển khai các nhiệm vụ trong công tác PCCC trên địa bàn 16 phường. UBND quận tập trung và tăng cường các biện pháp triển khai thực hiện công tác PCCC ở khu vực dân cư có nhiều vật liệu dễ cháy trên địa bàn quận" - Phó Chủ tịch UBND quận 8 nói.

Nhiều địa điểm có nguy cơ cháy, nổ

Thực tế trên địa bàn TP HCM có rất nhiều khu dân cư tự phát và khu dân cư cũ không bảo đảm an toàn PCCC. Hầu hết, những khu dân cư này đều không có trụ điện chữa cháy. Xe chữa cháy cũng không thể nào đi vào tiếp cận khi có cháy nổ xảy ra. Do đó, việc chữa cháy luôn gặp khó khăn và thiệt hại vì thế luôn ở mức cao.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên đường Phạm Thế Hiển, Âu Dương Lân (quận 8) có nhiều con hẻm chỉ 2 m và các căn nhà chen chúc nhau nằm sâu trong hẻm nhỏ, dây điện móc chằng chịt, lộn xộn. Thực tế, không ít con hẻm tại đây bị người dân chiếm dụng làm nơi phơi đồ, biến con hẻm thành nơi sinh hoạt riêng.

Đáng nói, dưới chân cầu chữ Y (quận 8) nhiều căn nhà lụp xụp, đồ đạc chật kín các lối đi. Người dân tận dụng phần đường đi vào hẻm để ve chai, bày bán xe đạp cũ… "Gần đây thời tiết nắng nóng, có nhiều vụ cháy xảy ra. Sống trong hẻm nhỏ như hiện tại, người dân chúng tôi rất lo sợ, chỉ biết mua bình chữa cháy để bảo đảm an toàn nhất có thể. Tuy nhiên, vẫn có một số người bày đồ đạc ra trước nhà chắn lối đi, tôi thấy rất phiền lòng và lo sợ cháy nổ nhiều hơn" - ông Phạm Văn Bình, ngụ hẻm 44, đường Phạm Thế Hiển (quận 8), lo lắng.

Ghi nhận tại các con hẻm trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, Huỳnh Tịnh Của (quận Bình Thạnh), đập vào mắt phóng viên là những con hẻm dẫn vào khu dân cư nhỏ hẹp, có nhiều hẻm rộng chưa tới 1 m. Muốn đến nhà người dân phải đi vào sâu bên trong, mái nhà che hết bầu trời. "Ba thế hệ gia đình tôi đã sống ở con hẻm 45 Huỳnh Tịnh Của. Con hẻm rất nhỏ chỉ có xe máy chạy vào được, người dân nơi đây luôn lo sợ bị cháy. Riêng nhà tôi, luôn trang bị sẵn bình chữa cháy, chính quyền địa phương liên tục vận động người dân về vấn đề PCCC" - bà Nguyễn Thị Hồng, một người dân ngụ nơi đây, bày tỏ.

Phóng viên cũng ghi nhận có rất nhiều con hẻm sâu nhưng nhỏ hẹp và loằng ngoằng, chỉ vừa đủ người và xe máy đi lọt. Người dân sống trong những con hẻm trên luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ vì khi xảy ra cháy không biết có thoát thân được không. Chị Mỹ Nguyên (sống trong hẻm 815, đường Hoàng Sa) chia sẻ: "Cứ mỗi lần đọc thấy tin tức cháy tôi đều rất lo lắng. Vì gia đình cũng sống trong hẻm nhỏ nên lỡ có sự cố xảy ra thì rất khó để thoát ra ngoài, lực lượng PCCC cũng không thể tiếp cận được".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải (bìa phải) đến kiểm tra hiện trường và thăm hỏi các hộ dân ảnh hưởng trong vụ cháy ở quận 8Ảnh: CHÍ THẠCH

Phát huy mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC"

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng Phòng Dự báo - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết TP HCM đang trong mùa cao điểm nắng nóng. Đơn vị này nhận định trong tháng 4, nắng nóng tại TP HCM mạnh hơn tháng 3 với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, xuất hiện nhiều đợt kéo dài. "Nắng nóng, không mưa và độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao" - ông Quyết lưu ý.

PC07 khuyến cáo người dân khi ra khỏi nhà cần quan sát, khóa van gas, ngắt cầu dao điện. Tuyệt đối không đốt vàng mã trong nhà, không tự ý câu mắc điện; nên thay mới, sửa chữa các thiết bị điện, hệ thống điện xuống cấp, hư hỏng; cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà… và không tồn trữ nhiều chất dễ cháy như gas, xăng, dầu...

Cũng theo PC07, người dân cần sử dụng điện tiết kiệm, tắt các thiết bị điện khi không dùng tới nhằm tránh bị quá tải gây nóng, chập điện. Cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án cần tổ chức phát quang bụi rậm; xử lý các bãi rác tự phát, bãi cỏ khô trong các khu dân cư để tránh hỏa hoạn xảy ra.

Riêng ở chợ, khu thương mại, cơ sở kinh doanh xăng dầu, hóa chất, các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, các khu vui chơi tập trung đông người và các chung cư (nhất là chung cư cũ)… ban quản lý và chủ cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra an toàn PCCC để ngăn chặn các nguy cơ cháy, nổ phát sinh.

Người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình trong công tác PCCC ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê để ở có mật độ người ở cao, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư, nhà cao tầng... và các loại hình tập trung đông người như trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, chùa... phải nâng cao ý thức, trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, tự xây dựng các phương án chữa cháy, thoát nạn đề phòng các sự cố xảy ra.

Công an các địa phương kiểm tra các phương án chữa cháy, tình trạng hoạt động của lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, đặc biệt ở các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao để có kế hoạch xử lý kịp thời các tình huống.

Tiếp tục triển khai xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy với những mô hình hiệu quả, thiết thực, nhất là mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và điểm chữa cháy công cộng. Tổ chức vận động 100% nhà vừa ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ liền kề trên địa bàn quản lý tham gia "Tổ liên gia an toàn PCCC"; các khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư có chiều dài từ 50 m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được theo địa bàn khu dân cư phải thành lập "Tổ liên gia an toàn PCCC" và có tối thiểu 1 "Điểm chữa cháy công cộng".

PC07 thông tin đây là mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác PCCC và cứu nạn. Mới đây, ngày 15-3, tại "Tổ liên gia an toàn PCCC" ở ấp 6, xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè), người dân phát hiện cháy nhà đã bấm chuông báo cháy của tổ, thông báo cho người bên trong nhà và hàng xóm biết cùng thoát nạn, chữa cháy. Nhờ chuông báo cháy, 8 người đang ngủ bên trong căn nhà bị cháy đã kịp thời thoát ra an toàn.

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại thương tâm về người và tài sản do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra, PC07 khuyến cáo và kêu gọi các hộ gia đình cần tích cực ủng hộ, tham gia "Tổ liên gia an toàn PCCC". Chủ động mở lối ra thoát nạn thứ 2 và trang bị bình chữa cháy xách tay. Ngoài ra, tuyên truyền cho các thành viên trong tổ chức, hộ gia đình nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác PCCC đã được pháp luật quy định, nắm vững kỹ năng PCCC và thoát nạn an toàn.

Phú Quốc cháy liên tục, lực lượng PCCC quá tải

Trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ 12-2 đến 2-4, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang liên tiếp xảy ra gần 20 vụ cháy. Hầu hết là các vụ cháy xuất phát từ việc người dân đốt rác, đốt rẫy gây cháy lan.

Lãnh đạo Công an TP Phú Quốc cho biết lực lượng PCCC tại đơn vị còn mỏng trong khi các vụ cháy xảy ra liên tục khiến các chiến sĩ phải căng sức làm việc trong mùa khô này. Điển hình như vụ cháy lan vào bãi rác ở xã Cửa Cạn, đám cháy âm ỉ suốt gần 10 ngày đêm, lực lượng PCCC phải túc trực 24/7 để dập lửa dẫn đến quá tải.

Theo trung tá Đặng Văn Việt, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Phú Quốc, hiện tại trên địa bàn thành phố đã ra mắt 32 mô hình và tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các "Tổ liên gia an toàn PCCC". "Có thể khẳng định, khi mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" được nhân rộng, ý thức trách nhiệm và nhận thức của người dân trong công tác PCCC sẽ được nâng lên, từ đó góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra. Việc này cũng khẳng định vai trò tích cực của quần chúng nhân dân, lực lượng PCCC cơ sở, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn" - trung tá Việt chia sẻ.

D.Nhân

Động viên, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng

Chiều 2-4, đoàn công tác do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải làm trưởng đoàn đến kiểm tra hiện trường và thăm hỏi các hộ dân bị ảnh hưởng vụ cháy tại đường Phạm Thế Hiển (phường 2, quận 8).

Tại đây, ông Nguyễn Hồ Hải kiểm tra thực địa hiện trường vụ cháy và động viên các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Đồng thời, ông Nguyễn Hồ Hải mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng vụ cháy sớm ổn định cuộc sống; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa không để cháy, nổ xảy ra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cũng yêu cầu chính quyền địa phương bảo đảm và phát huy tác dụng công tác PCCC "bốn tại chỗ"; phòng ngừa có hiệu quả nạn cháy, nổ xảy ra, bảo đảm an toàn tài sản của người dân.

Đến trưa 2-4, Ủy ban MTTQ quận 8 cùng các đơn vị đã thăm động viên và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại.

Tr.Hoàng

Anh Vũ - Thùy An - Ái My - Minh Diễm

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-chay-no-196240402220149332.htm