Cảnh báo căn bệnh viêm cơ tim cấp tính ở người trẻ

Những người có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh tim mạch nhưng bỗng một ngày mắc viêm cơ tim cấp gây ngừng tim, đe dọa trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe. Rất nhiều ca tử vong do viêm cơ tim cấp tính, những ca được cứu sống đều đứng trước lằn ranh sinh - tử. Viêm cơ tim cấp tính biến chuyển rất nhanh, hay gặp ở lứa tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Vì sao lại dẫn đến căn bệnh đáng sợ này?

Ngừng tim đột ngột, căn bệnh nguy hiểm

Sống lại sau gần 1 tháng điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), chị N.T.T.H (35 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) không hiểu tại sao mình lại mắc bệnh viêm cơ tim cấp. "Tôi không nghĩ mình đang khỏe mạnh mà lại phải đối mặt với cái chết. Bệnh viêm cơ tim cấp xảy đến bất ngờ, lúc chìm vào hôn mê tôi không nghĩ mình còn sống được", chị H chia sẻ với phóng viên.

Chị H có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, 3 ngày trước khi vào viện, chị thấy mệt, đau ngực, khó thở. Khi được gia đình đưa tới Bệnh viện 19-8 thăm khám, chị được cho nhập viện ngay với chẩn đoán "theo dõi nhồi máu cơ tim-chưa loại trừ viêm cơ tim cấp". Sau khi chụp động mạch vành qua da không có hẹp, chị được chẩn đoán sốc tim do viêm cơ tim cấp, chuyển ngay vào Khoa Điều trị tích cực và chống độc. Vào khoa được 20 phút, chị xuất hiện cơn loạn nhịp tim (rung thất), ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện, đặt nội khí quản, thở máy, trợ tim, vận mạch.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dù cấp cứu ngừng tim thành công nhưng tính mạng bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. Lãnh đạo Khoa đã xin ý kiến Ban giám đốc, hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai và nhanh chóng triển khai các kỹ thuật hồi sức cấp cứu tiên tiến, hiện đại nhất cho bệnh nhân như: ECMO, lọc máu, hạ thân nhiệt chỉ huy...

Sau gần 1 tháng điều trị hồi sức tích cực với nhiều lần loạn nhịp, luôn trong tình trạng ngừng tim bất cứ lúc nào, các bác sĩ phải nhiều lần "cân não" để điều chỉnh các biện pháp ECMO, lọc máu, hạ thân nhiệt, hồi sức tích cực và thuốc trợ tim, vận mạnh cho hợp lý, chị H mới thoát khỏi "cửa tử".

ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8 cho biết: Viêm cơ tim cấp thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ (20-40 tuổi), khá nhiều người có tiền sử khỏe mạnh. Xu hướng bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình một năm có 15 ca viêm cơ tim cấp có sốc tim vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa cấp cứu và điều trị. Các trường hợp vào cấp cứu gần đây triệu chứng ban đầu chỉ đau bụng, ho, sốt, sau chuyển sang tím tái nhanh và có nguy cơ ngừng tim. Ngày 3/8, đưa con (4 tuổi) vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám với triệu chứng đau bụng, sốt, nôn nhiều, chị P.T.H (Hà Nội) không bao giờ nghĩ con mình lại bị viêm cơ tim cấp. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định đặt máy ECMO để hỗ trợ trái tim đang co bóp yếu ớt và loạn nhịp nặng của cháu bé. Sau 5 ngày điều trị tích cực, cháu bé đã cai được ECMO và hiện đang thở ôxy, chức năng sống ổn định. Trường hợp bị viêm cơ tim cấp, sốc tim nặng khác là cháu T.H (13 tuổi).

Vì sao người khỏe mạnh lại bị viêm cơ tim?

ThS.BS Bùi Nam Phong cho biết, viêm cơ tim cấp là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bị viêm cơ tim cấp như: Do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm; một số bệnh lý tự miễn; bệnh hệ thống; nhiễm độc hay quá mẫn cảm với một số loại thuốc, vac_cine...

Theo BS Phong, có nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm cơ tim cấp nhưng nguyên nhân do virus hay gặp nhất. Đối với trẻ em, tỷ lệ viêm cơ tim rơi vào khoảng 1-2/100.000 trẻ. "Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình, khoảng một nửa số trẻ em bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh. Sau đó, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh lý thông thường khác như mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ho, sốt nên dễ chẩn đoán sang bệnh khác.

Nếu trẻ có kèm theo triệu chứng khác như thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái… thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế", ThS.BS Lương Minh Cảnh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

BS Bùi Nam Phong cũng cho hay, viêm cơ tim cấp là căn bệnh có diễn biến nhanh đột ngột, phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm và kịp thời. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, có một số triệu chứng giống cảm sốt thông thường như: Mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn... hơn nữa lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ. Các trường hợp viêm cơ tim cấp nặng phải can thiệp ECMO mới có hy vọng cứu sống. Bệnh nhân viêm cơ tim cấp khi ra viện còn cần tiếp tục điều trị, theo dõi lâu dài về tim mạch, tuân thủ tái khám thường xuyên, hạn chế vận động nặng. Đặc biệt, người bệnh khi ra viện phải hết sức lưu ý theo dõi sức khỏe, chế độ ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ… khi có ho, sốt, đau ngực, khó thở… hay bất kể bệnh lý nào thì không được chậm trễ mà phải tới cơ sở y tế thăm khám ngay.

Trước đây, tỷ lệ tử vong ở người trẻ bị viêm cơ tim cấp là rất cao, nhưng hiện nay, với sự phối hợp của liên chuyên khoa trong chẩn đoán, cấp cứu, điều trị và chăm sóc, đặc biệt, với việc áp dụng hệ thống máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để điều trị cho những trường hợp viêm cơ tim cấp nặng, nhiều người đã được cứu sống ngoạn mục. Theo nghiên cứu của Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ cứu sống ở bệnh nhi viêm cơ tim được hỗ trợ ECMO khoảng 60% - tương đương với các nước phát triển.

Để phòng bệnh viêm cơ tim cấp, BS Phong khuyến cáo, người dân, nhất là các bạn trẻ nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc khoa học, tăng cường sức đề kháng, tích cực hoạt động thể dục thể thao, hạn chế bia rượu và tiêm vaccine sớm để phòng các loại bệnh đã có vaccine.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/canh-bao-can-benh-viem-co-tim-cap-tinh-o-nguoi-tre-i704022/