Căng thẳng cuộc đua tuyển sinh vào trung học phổ thông

Chỉ hơn 60% học sinh tốt nghiệp THCS ở Hà Nội được vào trường công hệ THPT. Nhiều vị phụ huynh chấp nhận mất số tiền lớn để giữ chỗ ở trường tư cho con em mình có một suất học.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2024-2025. Theo đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 năm nay cơ bản giữ nguyên như những năm trước, trong đó phương thức tuyển sinh vẫn là thi tuyển và Sở tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường phổ thông công lập.

Phương án thi sẽ có 3 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ (thí sinh đăng ký một trong các ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn…). Việc đăng ký thi sẽ theo khu vực tuyển sinh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thống kê sơ bộ của Sở thì số học sinh lớp 9 trên địa bàn Thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023-2024 khoảng 135.000 em.

Trong số học sinh tốt nghiệp THCS, chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%, tức có khoảng 80.000 em đỗ vào các trường công lập, còn lại hơn 50.000 em không đỗ, phải theo học trường tư hoặc trường nghề. Chính vì suất vào trường công hạn chế, nên để giúp con có thêm phương án dự phòng, không ít phụ huynh chấp nhận mất tiền để giữ một suất học ở trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, phí giữ chỗ, ghi danh ngày càng bị đẩy lên cao.

Theo thông báo của Trường THCS - THPT Lômônôxôp (quận Nam Từ Liêm), mức phí nhập học là 5,9 triệu đồng. Trường không trả lại phí này nếu học sinh rút hồ sơ chuyển đi trường khác.

Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy) thông báo phí nhập học với học sinh vào lớp 10 là 15 triệu đồng. Phụ huynh nộp phí nhập học một lần/cấp học và khoản này không được chuyển nhượng, hoàn trả trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, phí nhập học sẽ được nhà trường đối trừ với các khoản thu trong năm học.

Trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) có phí nhập học lên tới 23 triệu đồng, gần bằng 3 tháng học phí của trường. Khoản phí này không được hoàn trả, chuyển nhượng dưới mọi hình thức.

Với các trường còn lại, mức phí phổ biến là 1 - 3 triệu đồng. Việc đưa ra số tiền cọc, theo đại diện một số trường là để hạn chế "tỷ lệ ảo", đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Không ít phụ huynh bỏ tiền để đặt cọc cho con vào 2-3 trường tư thục, với tổng chi phí đến 30-40 triệu đồng, nhưng sau đó bỏ cọc vì con đỗ trường công, hoặc nhận thấy các khoản phải đóng góp trong 3 năm học không phù hợp với khả năng chi trả của gia đình. Với những phụ huynh không có điều kiện thì việc đóng phí giữ chỗ này là quá sức với họ.

Thực tế cho thấy, phí đặt cọc, giữ chỗ là khoản thu mang tính thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường trên nguyên tắc tự nguyện, công khai. Đây thực chất là phí cơ hội nếu phụ huynh muốn con có chỗ học như ý, hoặc thêm phương án dự phòng trong trường hợp không đỗ vào lớp 10 THPT công lập.

Tuy nhiên, trước tình trạng phí giữ chỗ bị một số trường đẩy lên cao trong năm học 2024 - 2025, nhiều ý kiến cho rằng, các trường tư thục hoạt động theo cơ chế tự chủ, được quyền đưa ra mức phí giữ chỗ, nhưng phải phù hợp. Nếu loại phí này chưa có trong quy định thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu để đưa vào.

Để chấn chỉnh, đầu tháng 3/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh, không được yêu cầu cha mẹ học sinh nộp tiền giữ chỗ hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, môi trường giáo dục có đặc thù, trong đó cần tính nhân văn. Dù các trường hoạt động tự chủ, nhưng cần trên tinh thần nhân văn, chia sẻ để xây dựng mức phí phù hợp, nhất là trong điều kiện nhiều gia đình còn khó khăn về tài chính.

“Phí giữ chỗ hiện nay là vấn đề nhức nhối, dư luận xã hội phản ánh nhiều. Khoản tiền này được chi phối bởi các hợp đồng dân sự, thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh nhà trường, nhưng điều này không phù hợp với môi trường giáo dục. Nếu học sinh nhập học thì khấu trừ vào học phí, còn không sẽ không được hoàn lại, vậy tiền đấy ai hưởng?”, ông Cương nêu câu hỏi.

Còn theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, trường tư muốn ổn định tuyển sinh, hạn chế thí sinh ảo, nên đưa ra phí đặt cọc. Phụ huynh cần chia sẻ với nhà trường, nhưng ngược lại, nhà trường cần thông cảm với phụ huynh, cần đưa ra mức thu phù hợp tình hình kinh tế nói chung.

Hiện khoản phí này chưa có trong quy định, mà do thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Do đó, cần sự vào cuộc có trách nhiệm của Sở GD&ĐT Hà Nội trong công tác quản lý nhà nước đối với các nhà trường và vì quyền lợi người học.

“Ngành giáo dục nên đưa ra mức phí tối đa mà các trường được phép thu, tránh trường hợp thu quá cao, gây thiệt thòi về phía phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tránh tâm lý lo lắng thái quá, dẫn đến việc đặt cọc tràn lan vào nhiều trường, gây lãng phí”, ông Lâm nói.

Mộc An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cang-thang-cuoc-dua-tuyen-sinh-vao-trung-hoc-pho-thong-d212326.html