Căng thẳng Biển Đông nóng lên, Philippines sẽ mua vũ khí của Nga?

Không lâu sau khi trở thành Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte không chỉ “lạnh nhạt” với Mỹ, Philippines còn “thân mật” với cả Trung Quốc và Nga.

Vào tháng 9, ông Duterte tuyên bố rằng ông sẵn sàng củng cố quan hệ với Nga và Trung Quốc. Manila đang có kế hoạch xây dựng hợp tác quốc phòng và kinh tế với Moscow khi ông Duterte tiết lộ ý định mua vũ khí của Nga và đổi lại, Nga sẽ cho Philippines hạn mức tín dụng thấp, có thời hạn chi trả kéo dài đến năm 2025.

Máy bay chiến đấu của Nga trong một cuộc diễn tập quân sự.

Với thương vụ này, Nga sẽ được lợi bởi nó sẽ cho phép họ có một phần ảnh hưởng đối với tranh chấp trên Biển Đông. Lập trường của Nga từ trước đến nay vẫn là, các cường quốc không nên can thiệp vào vấn đề của một khu vực trên thế giới, tuy nhiên Nga cũng nói rõ rằng họ muốn khẳng định vị thế của mình là một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Việc có liên quan đến tranh chấp Biển Đông sẽ giúp Nga có thể đạt được mục đích này.

Thông tin về việc Philippines và Nga thắt chặt hơn nữa mối quan hệ của mình đã được đưa ra từ trước khi ông Duterte nhậm chức, và chính quyền của ông đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội của mình. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Raymundo Elefante cùng người đồng cấp Nga Anatoly Antonov đã gặp mặt tại triển lãm Army-2016 được tổ chức vào mùa hè tại Moscow. Cả hai bên đều bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng và tăng cường đối thoại giữa hai nước về vấn đề an ninh trong khu vực cũng như quốc tế, và ông Antonov muốn có một quy tắc rõ ràng trong quan hệ hợp tác này.

Việc Philippines và Nga muốn thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng đã có từ lâu. Đồng thời, nó đang đánh đấu một xu hướng mới khi Philippines không muốn chỉ đơn phương thiết lập quan hệ với một cưởng quốc duy nhất là Mỹ mà còn với những quốc gia khác. Vào năm 2014, Phó giám đốc Cục Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FMSTC) là ông Konstantin Biryulin nói rằng cục này sẽ cung cấp tên lửa đất đối không và rađa cho Philippines. Ông cho biết việc Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát một đường biên giới dài, trong khi Philippines gặp nhiều vấn đề tại các khu vực ranh giới biển đã khiến thương vụ này có thể xảy ra.

Ông Duterte (phải) gặp gỡ Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong một hội nghị cấp cao.

Việc Manila xích lại gần Moscow hơn không có nghĩa là họ đóng cửa hoàn toàn với Washington. Sự thất thường là một trong những đặc điểm chính trong quan hệ giữa Philippines và Mỹ. 25 năm trước, Philippines đã yêu cầu Quân đội Mỹ rời khỏi căn cứ hải quân vịnh Subic, nhưng đến đầu năm 2016 Tòa án Tối cao Philippines đã bỏ phiếu ủng hộ quân đội Mỹ trở lại. Và mặc dù ông Duterte đã yêu cầu Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ rút khỏi đất nước này sau khi tuyên bố xích lại với Nga, Mỹ vẫn còn rất quan trọng đối với Philippines.

Như vậy, phát ngôn của ông Duterte không có nghĩa rằng ông đang xóa bỏ chính sách đối ngoại trước đây, mà đơn giản là Philippines đang muốn mở rộng quan hệ quốc phòng hơn nữa và họ coi Nga là một đối trọng cần thiết đối với Mỹ và Trung Quốc. Ông Duterte có thể cũng tin rằng, trong lúc căng thẳng trên Biển Đông đang nóng lên, việc có thêm nhiều lựa chọn trong quan hệ ngoại giao là rất quan trọng.

Anh Tuấn (theo National Interest)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cang-thang-bien-dong-nong-len-philippines-se-mua-vu-khi-cua-nga-post211771.info