Cần xem xét có nên tuyển thẳng lớp 10, đại học với HS đạt giải Hội thi KHKT?

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm đề xuất, nên xem xét việc có nên lấy kết quả cuộc thi để tuyển thẳng vào lớp 10, đại học hay không?

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy chế hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để thay thế Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT.

Dự thảo có đề cập một số điểm mới về yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh phải đảm bảo thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; thúc đẩy giáo dục STEM theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông,…

Điểm mới của dự thảo phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thầy Bùi Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Yên Bái cho rằng: Dự thảo quy chế hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học có 2 điểm mới nổi bật.

Thứ nhất yêu cầu nội dung nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, thúc đẩy giáo dục STEM theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.

Thứ hai là việc tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kĩ thuật bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh cũng như đánh giá đúng năng lực học sinh.

Thầy Bùi Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Yên Bái. (Ảnh: NVCC)

“Hai điểm mới này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đồng thời, khắc phục được những tồn tại, hạn chế ở quy chế hiện hành khi có những lĩnh vực nghiên cứu vượt quá năng lực học sinh nên không đánh giá được đúng năng lực của các em.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ nội dung khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học là hoàn toàn hợp lý. Bởi đây là sân chơi dành cho lứa tuổi học sinh trung học, việc các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học tiềm ẩn những tiêu cực và biến sân chơi này thành quá tầm với lứa tuổi học sinh trung học, nhiều dự án khoa học kỹ thuật dự thi không xuất phát từ ý tưởng của học sinh”, thầy Xuân nhấn mạnh.

Cũng đồng tình với quan điểm này, cô Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ: “Theo tôi, điểm mới trong dự thảo sẽ khắc phục được một số tồn tại của quy định hiện hành. Bởi nếu nội dung thi vượt quá phạm vi kiến thức học sinh học được ở nhà trường dễ tạo tâm lý lo lắng, không thực hiện được và tìm sự hỗ trợ của người lớn, thậm chí nhờ làm hộ. Trong khi đó, ở dự thảo mới, nội dung phù hợp sẽ tạo cho học sinh tâm lý tự tin, mạnh dạn tham gia.

Cô Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Ủng hộ dự thảo bỏ 14 nội dung dự thi

Về việc dự thảo lược bỏ một số lĩnh vực của hội thi như: Y Sinh và khoa học Sức khỏe; Kỹ thuật Y Sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Hệ thống nhúng; Kỹ thuật cơ khí; Vi Sinh; Rô bốt và máy thông minh; Y học chuyển dịch... theo thầy Xuân là hoàn toàn hợp lý.

“Những lĩnh vực này vượt quá phạm vi kiến thức cũng như năng lực nghiên cứu của học sinh. Các em học sinh trung học chưa học kiến thức chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa trải qua lao động, nhưng lại là chủ nhân của các đề tài thuộc về khoa học chuyên sâu, chuyên ngành. Đây là điều trái ngược hoàn toàn với quy luật khoa học.

Ví dụ, để có được những khảo sát thực tế hay đánh giá kết quả nghiên cứu của dự án trong lĩnh vực Y học chuyển dịch thì cần phải có những nghiên cứu mang tính vĩ mô như một công trình khoa học, liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Bởi vì Y học chuyển dịch phát triển các ứng dụng thực hành lâm sàng (các nghiên cứu từ khoa học cơ bản) sang thực hành y tế (khoa học ứng dụng)”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Yên Bái nhận định.

Thầy Xuân cũng cho rằng, sau 10 năm thực hiện chúng ta không thể phủ nhận ý nghĩa, vai trò của cuộc thi khoa học kỹ thuật vì cuộc thi đã tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển các ước mơ khoa học, tạo sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống. Cuộc thi đã trở thành một sân chơi trí tuệ đỉnh cao, bổ ích và hấp dẫn cho các em học sinh.

“10 năm tổ chức cuộc thi, đâu đó có dư luận cho rằng cuộc thi còn nhiều tồn tại, bất cập, có dấu hiệu tiêu cực như đề tài trùng lặp, đề tài vượt quá tầm học sinh phổ thông...Tất nhiên, đây chỉ là những ý kiến từ dư luận, còn chính xác thì cần phải có một đánh giá cụ thể, công tâm từ ban tổ chức cuộc thi để từ đó có thể thay đổi quy chế, thể lệ... cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế để cuộc thi ngày càng có chất lượng cao hơn”, thầy Xuân nêu quan điểm.

Do đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Yên Bái đề xuất trong quá trình tổ chức cần chú trọng công tác bảo mật thông tin của cuộc thi, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế. Đồng thời, thành lập đoàn thanh tra toàn diện về cuộc thi, xem xét và xử lý trách nhiệm, sai phạm (nếu có) của các tập thể, cá nhân liên quan.

Đối với các sáng chế, sáng tạo của học sinh và giáo viên, có thể công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí khoa học, liên hệ với doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương để áp dụng, đăng ký bằng sáng chế và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Cô Hoàng Thị Yến cũng đồng tình với việc hội thi bỏ 14 lĩnh vực so với quy chế hiện hành bởi đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi kiến thức sâu, rộng.

“Ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh được học nhiều môn thuộc nhiều lĩnh vực. Nhưng các kiến thức đó chỉ là cơ bản, chưa chuyên sâu. Nếu vẫn giữ nguyên các lĩnh vực này sẽ là quá tải với học sinh, dễ dẫn đến việc người lớn tham gia hỗ trợ quá nhiều”, cô Yến bày tỏ.

Cô Yến đề xuất nên xem xét có tuyển thẳng thí sinh đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật hay không. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh một số tồn tại, bất cập, theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm, Hà Nội, cuộc thi vẫn có những mặt tích cực như: đẩy mạnh thực hành, trải nghiệm, tạo sân chơi trí tuệ cho học sinh ở các nhà trường, giúp học sinh làm quen hoạt động nghiên cứu - ứng dụng…

Cô Yến cũng đề xuất, cần xem xét việc có nên lấy kết quả cuộc thi để tuyển thẳng học sinh vào trung học phổ thông, đại học hay không?

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-xem-xet-co-nen-tuyen-thang-lop-10-dai-hoc-voi-hs-dat-giai-hoi-thi-khkt-post239471.gd