Cần xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản số

'Chúng ta cùng nhau đề xuất với Chính phủ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số, đây là giải pháp phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh tiền tệ', Chủ tịch SSI Digital Nguyễn Duy Hưng nêu tại diễn đàn Tài sản số 2024.

Diễn đàn Tài sản số 2024 diễn ra mới đây do Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital) tổ chức nhằm nhận diện cơ hội và thách thức về tài sản số, tạo kết nối trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận, quản lý, quản trị rủi ro loại hình đầu tư tài sản số trong nước và trên thế giới.

Đây là sự kiện về Tài sản số có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, quy tụ nhiều chuyên gia công nghệ, tài chính, start-up tài sản số và đặc biệt là sự tham gia của đại diện OKX – Top 4 sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới.

Theo Boston Consulting Group, tổng giá trị tài sản số trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Trong đó Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền số, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo (theo Crypto Crunch App).

Trong bối cảnh Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình đầu tư này, các hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và thất thoát cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại diễn đàn

Chính vì vậy, tại Diễn đàn, Chủ tịch SSI Digital Nguyễn Duy Hưng cho biết, xây dựng một môi trường đầu tư an toàn và minh bạch là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Chúng ta cùng nhau đề xuất với Chính phủ xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số. Đây là giải pháp phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của thị trường. Giảm thiểu rủi ro an ninh tiền tệ khi các dòng tiền đầu tư được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch sẽ góp phần tăng cường tài chính quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách thông qua kiểm soát thuế, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư”, Chủ tịch SSI Digital đề xuất.

Ông Macolm Wright, Giám đốc Pháp chế Tuân thủ Toàn cầu OKX cũng đã chia sẻ tại Diễn đàn về chiến lược và kinh nghiệm quản lý tài sản số, bao gồm cả Tiêu chuẩn toàn cầu về chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CTF), bảo vệ tài sản người dùng, kinh nghiệm với sandbox (công nghệ tăng cường tính bảo mật, ngăn chặn phần mềm độc hại), cấp phép và tuân thủ báo cáo.

Với các phiên thảo luận: Cuộc cách mạng công nghệ số lần thứ 4; Tổng quan về Tài sản số, tác động và đóng góp của ngành công nghệ nói chung và tài sản số nói riêng đối với nền kinh tế số và kinh tế quốc gia; Giải pháp tạo môi trường kinh doanh công bằng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành tài sản số; Thách thức và Cơ hội cho các Startup tài sản số và An toàn và bảo vệ tài sản số; diễn đàn Tài sản số 2024 đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận, góc nhìn đa chiều.

Đồng thời, các đại diện đều thống nhất, tài sản số là một vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song đây lại là xu hướng phát triển tất yếu. Do vậy, cộng đồng công nghệ số cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trên thế giới, đánh giá và lựa chọn để góp ý xây dựng, cùng Chính phủ nỗ lực thúc đẩy việc thiết lập các nguyên tắc, bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý, cung cấp dịch vụ tài sản số.

Túc Mạch

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/can-xay-dung-khung-phap-ly-de-quan-ly-tai-san-so-121641.html