Cẩn trọng với những dấu hiệu bất thường để tránh tử vong do sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng, chỉ cần hết sốt là khỏi bệnh. Thế nhưng, thực tế thì đa phần các ca tử vong lại xuất hiện sau khi cơ thể đã hạ nhiệt.

Sốt xuất huyết có thể gây tử vong

Khi hạ sốt, đừng chủ quan

Dù không phải là tháng cao điểm của sốt xuất huyết, thế nhưng, mới đây, tại Hà Nội, một sinh viên Học viện Ngân hàng đã tử vong vì căn bệnh này. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nguyên nhân là bệnh nhân bị sốc dengue (sốc do sốt xuất huyết). Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, sốc dengue thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh.

Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm khi bị sốt xuất huyết, ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Việc truyền dịch tại nhà hay các phòng khám tư nhân cũng cần tuyệt đối tránh vì có thể gây tử vong tại chỗ.

Đây là giai đoạn sốt đã hạ nhiệt và mọi người thường cho rằng như thế là đã khỏi bệnh nên chủ quan trong việc chữa trị. Thế nhưng, thực tế đó lại là thời kỳ nguy hiểm nhất. Ở thời kỳ này, cơ thể người bệnh có thể phục hồi nếu được chăm sóc tốt, song cũng có thể diễn tiến xấu với các biểu hiện như: mệt lả, buồn nôn, đau tức vùng gan, đau bụng, tiểu ít… Nếu không được cấp cứu kịp thời, nó có thể gây suy đa phủ tạng, và thậm chí là tử vong chỉ sau vài tiếng đồng hồ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, sốc do sốt xuất huyết thường xảy ra nhiều hơn ở người già và trẻ nhỏ vì đây là đối tượng có sức đề kháng yếu, thế nhưng, nếu lơ là với bệnh, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Vì vậy, khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường như: sốt cao, có những ban đỏ ngoài da, đau các khớp, các hốc mắt, đi ngoài phân đen… thì bạn cần cảnh giác.

Dễ nhầm lẫn với bệnh khác

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Trường hợp nữ sinh trên là ca tử vong đầu tiên của thành phố trong năm và cũng là cảnh báo trong việc phòng chống sốt xuất huyết. Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết không phải là bệnh nặng và hoàn toàn có thể điều trị khỏi ngay từ giai đoạn đầu. Thế nhưng, biểu hiện bệnh thường không đặc thù nên dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, từ đó khiến người bệnh chủ quan.

Xét về mặt cảm quan, cả hai loại sốt này đều gây sốt cao, mắt đỏ, mệt mỏi, chán ăn… Tuy nhiên, sốt xuất huyết thường khó hạ nhiệt dù đã dùng thuốc hạ sốt. Trong khi đó, sốt phát ban thì đáp ứng tốt với thuốc. Ngoài ra, sốt xuất huyết thường kèm theo chảy máu chân răng, tay chân lạnh. Đặc biệt, nếu dùng tay căng phần da có chấm đỏ, nếu ban đỏ mất đi và xuất hiện lại sau khi buông tay thì đó là sốt phát ban. Ngược lại, nếu những ban đỏ này vẫn còn thì đó là sốt xuất huyết.

Về lý thuyết, sự khác biệt trên có thể dễ dàng nhận biết, thế nhưng, chúng ta không nên chủ quan. Do đó, sau 2 ngày nếu thấy các triệu chứng sốt vẫn kéo dài, cơ thể lại mệt mỏi, li bì thì cần đến bệnh viện để thăm khám ngay. Khi bị sốt, cho dù do bất cứ nguyên nhân nào thì người bệnh cũng cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dưỡng chất.

Để tăng sức đề kháng, bạn cần tăng cường các loại nước chanh, cam… vì nó có chứa nhiều vitamin C, có tác dụng hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch. Thêm vào đó, để tránh mất nước do sốt, bạn cần uống nhiều nước và bổ sung thêm các loại dung dịch bù nước như: oresol, hydrid… Đặc biệt, với sốt xuất huyết, việc uống nước càng cần được chú trọng hơn vì bệnh này thường khiến máu bị cô đặc, khó lưu thông, dễ dẫn đến sốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất. Do đó, nếu phát hiện người nhà bị bệnh thì cần cách ly, tránh mầm bệnh lây lan. Đối với khu vực đã có những trường hợp mắc bệnh thì cần hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Việc truyền dịch tại nhà hay các phòng khám tư nhân cũng cần tuyệt đối tránh vì có thể gây tử vong tại chỗ.

“Sốc dengue (sốc do sốt xuất huyết) thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh. Đây là giai đoạn sốt đã hạ nhiệt và mọi người thường cho rằng như thế là đã khỏi bệnh nên chủ quan trong việc chữa trị. Thế nhưng, thực tế đó lại là thời kỳ nguy hiểm nhất”.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, (Bệnh viện Nhi Trung ương)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/can-trong-voi-nhung-dau-hieu-bat-thuong-de-tranh-tu-vong-do-sot-xuat-huyet/729440.antd