Cẩn trọng trước các chiêu trò 'thổi' giá đất

Thời gian qua, thị trường bất động sản tại các địa phương trong tỉnh liên tục tăng do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do giới 'cò' bắt tay nhau thổi giá.

Đất nền ở khu tái định cư Hợp Xuân (thị trấn Tằng Loỏng, Bảo Thắng) được giới đầu cơ “lùng sục” tìm mua.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lào Cai, đất nền tại các khu tái định cư tại phường Xuân Tăng (thành phố Lào Cai); khu tái định cư tại xã Bản Vược và xã Quang Kim (huyện Bát Xát); khu tái định cư tại thị trấn Tằng Loỏng và thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng); khu tái định cư tại xã Tà Chải và thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà)... thời gian gần đây tăng giá khá cao. Thị trường bất động sản sôi động và giá đất nền tăng nhiệt không phải do nhu cầu về đất ở của người dân địa phương, mà có thể là do chiêu trò thổi giá của những nhóm môi giới bất động sản đến từ các tỉnh khác nhằm thu hút, lôi kéo nhà đầu tư.

Khu tái định cư Hợp Xuân (gồm các tổ dân phố số 6, 9, 10) và khu tái định cư tổ dân phố số 5 thuộc thị trấn Tằng Loỏng (Bảo Thắng) đã hoàn thành việc giao đất cho các hộ thuộc diện di dời và thực hiện bán đấu giá cho các hộ tại địa phương có nhu cầu từ nhiều năm trước. Vậy nên, những hộ điều kiện khó khăn nhưng có nhu cầu về đất thì đều đã làm nhà, còn những hộ có điều kiện hơn lại đến các địa phương khác vì lo ngại gần khu công nghiệp bị ô nhiễm. Đất ở các khu tái định cư này trước đây đa phần rất rẻ và khó bán.

Thế nhưng, từ cuối tháng 3/2022 đến nay, nhiều nhóm môi giới bất động sản từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... “lùng sục” quanh khu vực để mua đất.

Trước năm 2020, giá 1 lô đất 100 m2 tại khu tái định cư tổ dân phố số 5 dao động từ 60 đến 100 triệu đồng, nhưng hiện nay đẩy lên 300 đến 400 triệu đồng. Còn khu tái định cư Hợp Xuân trước đó giá 1 lô đất 100 m2 chỉ 200 đến 350 triệu đồng, nay đã đẩy lên 500 đến 600 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 9 cho biết: Giá đất nền tái định cư ở đây bị đẩy lên cao như vậy do sự xuất hiện của các nhóm kinh doanh bất động sản ngoài tỉnh ồ ạt vào mua. Họ đi khắp nơi tìm mua đất nền bởi đất ở đây giá thấp hơn nơi khác và có tiềm năng phát triển. Vì vậy, các hộ ở địa phương hoặc công nhân làm tại các nhà máy trong khu công nghiệp có nhu cầu về đất ở thực sự sẽ gặp khó khăn; đối với những hộ không có nhu cầu sử dụng thì bán đất vào thời điểm này sẽ được giá.

Tương tự, tại khu tái định cư phường Xuân Tăng (thành phố Lào Cai), các nhóm đầu cơ bất động sản “quần thảo” khiến giá đất cũng tăng. Tại các đường Đặng Thái Thân, Nguyễn Trãi... thuộc tổ 2, trước đây đất dao động khoảng 650 đến 800 triệu đồng/lô (100 m2), nay tăng lên 1,2 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng/lô.

Hoặc như việc tổ chức bán đấu giá 32 lô đất tại thôn Kim Tiến, xã Quang Kim (Bát Xát) để tạo nguồn thu ngân sách, xuất hiện nhiều nhà đầu tư ngoài tỉnh. Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bát Xát cho biết: Việc đấu giá các lô đất trên đều có các hộ ở địa phương tham gia, nhưng không có người trúng giá đấu, do giá bị đẩy lên cao. Giá sàn mỗi lô đất là 550 triệu đồng, nhưng giá trúng lên tới 650 triệu đồng. Nhà đầu tư trả giá đấu cao sẽ tăng thu ngân sách, nhưng có thể đẩy giá đất ở đây lên cao.

Để tạo ra kịch bản “sốt đất”, nhóm đầu cơ bất động sản đi ô tô sang, kê bàn, ghế, dựng ô trên vỉa hè khu tái định cư rồi treo biển và trao đổi với nhau nhu cầu cần mua đất ở để tạo không khí sôi động cho khu vực cần đẩy giá. Điều đặc biệt, những người này thường liên kết lập hội nhóm rồi đổ dồn về các khu đất, liên tục ký hợp đồng chuyển nhượng, đặt cọc, phát trực tiếp trên mạng xã hội (livestream) nhằm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Anh Công chia sẻ khi được thuê làm môi giới bất động sản.

Anh Công, người dân ở tổ 5, thị trấn Tằng Loỏng (Bảo Thắng) được nhóm đầu cơ bất động sản ở tỉnh Vĩnh Phúc “thuê làm môi giới bất động sản”, thực chất đưa họ tìm đến các hộ có đất tái định cư để mua lại. Anh Công thổ lộ: Họ yêu cầu tìm các thửa đất đã có sổ đỏ và là đất nền tại khu tái định cư hoặc nằm trên trục Tỉnh lộ 151. Ban đầu, họ mua đất với giá cao hơn giá thị trường tại địa phương và mua với số lượng nhiều. Sau đó, họ “sang tay” cho các nhà đầu tư bất động sản ở các tỉnh khác. Cứ như thế, đất được bán qua nhiều người. Chẳng biết giá giao dịch qua những người mua tiếp theo như thế nào, nhưng giá đất ở đây vì thế bị đẩy lên khá cao.

Trao đổi với phóng viên tại khu vực bộ phận một cửa của UBND thị trấn Tằng Loỏng, anh Phạm Doanh Hoàn, người dân ở tổ 3 cho biết: Tôi vừa bán lô đất tái định cư thuộc tổ dân phố số 9 với giá 345 triệu đồng cho một nhà đầu tư bất động sản ở Bắc Giang, nhưng ngay sau đó họ bán luôn cho nhà đầu tư ở Bắc Ninh với giá hơn 600 triệu đồng. Họ “đặt cọc” nên mình xác định có rẻ thì cũng bán, chứ thấy vậy mà đi “bẻ cọc” thì phải bồi thường cho họ mà đất chưa chắc đã bán được cho người khác giá như thế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để trục lợi, các “cò đất” dùng thủ đoạn thổi giá sau khi “đặt cọc”, người bán “bẻ cọc” phải bồi thường tiền và “cò đất” sẽ hưởng lợi tiền bồi thường này. Hình thức nhóm đầu cơ bất động sản tạo hiệu ứng đám đông, xác định được người có nhu cầu bán đất, “cò đất” tiếp cận làm giá, sau đó với phương châm người đến sau đưa ra giá mua thấp hơn người đến mua trước và người bán sẽ liên hệ với người đầu tiên để bán. Ngay sau khi “đặt cọc”, “cò đất” lại tìm khách hàng theo hình thức đưa ra giá sau cao hơn nhiều so với giá bán ban đầu để người bán “bẻ cọc”. Với cách làm này, người bán sẽ bị thiệt vì phải bồi thường “bẻ cọc” và người hưởng lợi chính là “cò đất”.

Giá đất khu tái định cư phường Xuân Tăng (thành phố Lào Cai) được đẩy lên cao trong tháng 4.

Theo ông Nông Văn Quyền, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Giao thông vận tải - Xây dựng), giá đất tăng không phải nhu cầu về đất ở hoặc mặt bằng sản xuất, kinh doanh tăng đột biến, mà chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư họ mong muốn đầu tư vào đất để sinh lời, bởi cũng có nhiều công ty, doanh nghiệp do dịch Covid-19 không thể hoạt động nên chuyển sang đầu tư bất động sản. Ngoài ra, giới đầu tư bất động sản ở các tỉnh khác đến có nhiều chiêu trò mua đi, bán lại “thổi giá”, tạo sốt ảo nhằm tác động vào tâm lý người mua đất, bán đất. Người giao dịch mua bán, chuyển nhượng muốn không bị rơi vào cơn “sốt đất” giả, cần tỉnh táo trước các chiêu trò của “cò đất”, đồng thời tham khảo kỹ thông tin quy hoạch, xác minh rõ nguồn gốc đất, tránh xảy ra tranh chấp. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, công khai các khu đất đấu giá, giá khởi điểm, trúng giá; tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng trục lợi thông tin quy hoạch hạ tầng và phát triển dự án... tránh xảy ra tình trạng nhóm đầu cơ thổi phồng thông tin, thổi “bong bóng” bất động sản.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356349-can-trong-truoc-cac-chieu-tro-thoi-gia-dat