Cẩn trọng những lệch lạc giới tính khi quá chiều con

(PL&XH) -Ngày nay, nhiều nhà “có điều kiện”, ít con, hiếm muộn lại càng chiều con. Nhà không có điều kiện, vì muộn màng mới có được “mụn” con nên bố mẹ cũng thành ôsin để phục vụ con.

Ông bà nội ngoại cũng thi nhau chiều cháu dẫn đến việc có những đứa trẻ lớn lên vô cùng ích kỷ với những sở thích quái gở, lệch lạc giới tính.

Con nhà lính, tính nhà quan

Chuyện những gia đình khá giả chiều con hết mực không hiếm. Bởi điều kiện kinh tế tốt khiến cho họ có thể đáp ứng mọi thứ từ những yêu cầu của “con ông giời”. Nhưng có những gia đình, bố mẹ làm lao động vất vả, thậm chí chân lấm tay bùn cũng chiều con hết mực, con muốn gì cũng cố gắng thực hiện cho bằng được với tâm lý cho con bằng bạn bằng bè.

Ly là sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Ngoại thương, Hà Nội. Thoạt đầu, khi mới chuyển vào khu phòng trọ toàn sinh viên từ các trường ĐH, bạn bè trong phòng ai cũng nghĩ nhà Ly có điều kiện kinh tế khá giả bởi quần áo, vật dụng toàn đồ đắt tiền và đặc biệt là Ly không biết làm việc gì, ngay cả quần áo cũng mang ra hiệu giặt khô là hơi. Bất cứ khi nào cần gì, Ly chỉ cần gọi điện về nhà, qua mấy cuộc điện thoại, lần thì khóc lóc, lần thì ngúng nguẩy giận dỗi, thế là cuối cùng cũng có tiền nhà gửi lên để mua điện thoại mới, máy tính mới. Một phần vì Ly có vẻ kiêu kỳ, không chơi với ai, một phần vì cô rất lười dọn dẹp vệ sinh chung trong phòng nên không mấy ai ưa cô “tiểu thư” này.

Cho đến hôm Ly đi mấy ngày không về phòng, có một phụ nữ trông khắc khổ lam lũ lên tận phòng hỏi thăm, những người sống cùng phòng cô mới biết đấy là mẹ Ly. Theo câu chuyện mẹ Ly kể, thì nhà cô không hề “vương giả” như những gì cô sinh viên này biểu hiện bên ngoài. Bố làm xe ôm, mẹ chạy việc đồng áng nhưng rất chiều con, từ nhỏ đã không bắt con phải làm gì vì theo lời kể thì bố mẹ cô lấy nhau 10 năm mới có được một “ả tố nga” là Ly bây giờ. Gần đây, Ly xin tiền đi phẫu thuật nâng mũi và cắt tóc ngắn để tham gia hội: Những cô gái độc thân cá tính. Bố mẹ phản đối thì Ly tắt điện thoại khiến bậc sinh thành phải lên tận phòng tìm và nói trong nước mắt: “Khi nào con bé Ly về phòng các cháu nhắn dùm là bác mang tiền lên cho nó sửa mũi rồi, nó gọi về nhà cho bố nó khỏi lo”.

Cũng trong cảnh gia đình lao động bình thường, bố mẹ là công nhân nhưng Hiếu quê ở Phú Thọ lại “ăn chơi” sành điệu không kém gì những công tử nhà giàu. Hiếu đi xe đẹp, đầu tóc quần áo lúc nào cũng bóng lộn, kè kè iPad và thường chỉ chơi với con gái. Mốt nào của con gái hay những thói quen làm đẹp mà các cô gái hay làm Hiếu đều biết cả. Bố mẹ là công nhân nhưng cứ khi nào muốn đổi điện thoại, muốn đi du lịch là Hiếu gọi về nhà không cần suy nghĩ. Nhà cũng chỉ có một chàng công tử là “con hiếm” nên bố mẹ Hiếu dù mỗi lần con xin cái này cái kia cứ “khùng” lên: “Làm gì có mà xin” nhưng y như rằng một tuần sau lại gửi tiền cho con. Đã học hết 3 năm cao đẳng nhưng Hiếu không lo chuyện đi xin việc, chỉ suốt ngày lang thang cửa hàng, cửa hiệu với các quý cô con nhà “quý tộc” TP.

Theo ThS, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ) thì có không ít ông bố bà mẹ đã lớn lên và trải qua quá trình khó khăn thiếu thốn về vật chất nên giờ muốn bù đắp cho con. Đi kèm với đó là quan niệm sai lầm, rằng đáp ứng mọi đòi hỏi vật chất của con là cách thể hiện tình thương, đem lại hạnh phúc cho con, giúp con tự tin và sống cân bằng. Nuôi dạy con theo công thức “cho những gì nó cần và cho những gì nó thiếu”. Mỗi khi xảy ra sự cố, chính cha mẹ lại đứng ra dùng tiền sửa sai mọi lỗi lầm của con mà bỏ qua tình trạng đạo đức ngày càng tụt dốc của con mình.

Trẻ được nuông chiều quá mức từ cha mẹ gia đình rất dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý, giới tính sau này. Ảnh: TL

Quả đắng trả ngược cho đấng sinh thành

Có những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: Những bé nam còn nhỏ bị nữ giới hóa thường là do người mẹ quá nuông chiều. Đứa trẻ ít được tiếp xúc và chủ yếu học những cử chỉ điệu bộ của mẹ (vẻ nữ tính). Ngoài ra, cha mẹ chiều con quá mức gây cho con tính nhõng nhẽo, mất khả năng tự lập và tâm lý cứng rắn của một bé nam. Các bác sĩ gọi hiện tượng này là hội chứng quý tử . Nghiên cứu về Hội chứng quý tử của TS Trần Năng Thể (chuyên gia giáo dục trường quản trị cuộc đời LiMa) cho thấy: “Xã hội đang ngày càng có nhiều những cậu ấm cô chiêu, chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ tuân phục bất kỳ một luật lệ nào trong gia đình cũng như không chịu khuất phục bất kỳ ai. Có những đứa trẻ được cưng chiều quá mức, trở thành “bạo chúa” hung hãn, luôn biểu hiện ý chí thống trị mọi người trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ”.

Những đứa trẻ được nuông chiều từ bé còn có hội chứng “bám bố mẹ”: Khi còn bé, trẻ nhút nhát, hay sợ hãi, lệ thuộc, khó thích nghi với môi trường mới và hòa đồng với những người xung quanh. Điều đó kéo theo hậu quả khi lớn lên những đứa trẻ quá được nuông chiều thường không có tính tự lập, yếu ớt và thiếu tin tưởng ở chính mình. Không biết làm gì, thậm chí không thể kiểm soát nổi những cảm xúc của bản thân hoặc nhanh chóng chấp nhận thất bại trước sức ép của cuộc sống. Bước vào đời không toàn vẹn về nhân cách, nặng thì trở thành kẻ chây lười hư hỏng, thiếu tự chủ, nhẹ cũng là những con "gà công nghiệp" không biết làm gì kể cả tự phục vụ mình.

Và cũng chính sự yếu ớt về tâm lý tính cách đó mà nhiều đứa trẻ dễ lôi kéo cả về chuyện về giới tính, dù bản thân khi sinh ra hoàn toàn bình thường. Có bà mẹ ở TP HCM nghẹn ngào viết thư cầu cứu lên diễn đàn của các bà mẹ rằng: Cậu con trai từ nhỏ vẫn có những biểu hiện rất bình thường về sinh lý giới tính, nhưng thời gian gần đây lại yêu thương một chàng trai khác, muốn được đổi giới tính và dần chuyển sang ăn mặc như con gái. Khi bố mẹ hết khuyên răn lại cấm cản, đe dọa phải kết thúc những hành vi suy nghĩ lệch lạc về giới tính thì cậu ta dọa sẽ tự tử.

Theo nhà tham vấn tâm lý Hoàng Nhân, thì sự yêu chiều, bao bọc quá mức, những cử chỉ âu yếm, gần gũi của mẹ dành cho con trai nhiều khi lại thành gây hại. Điều này có thể sẽ biến con trai họ trở thành những người đàn ông yếu đuối, luôn có nhu cầu được chở che, âu yếm từ người khác phái. Nó cũng gây sự dựa dẫm và có thể lệch lạc về tâm lý.

Ngược lại, một bà mẹ ở Hà Nội lại bày tỏ sự lo lắng khi cô con gái duy nhất đang học lớp 8 ăn mặc đi đứng nói năng như con trai. Vì chiều con, chuyện quần áo con ăn mặc thế nào chị thường đưa tiền cho con tự mua sắm. Đến lúc giật mình nhìn lại tủ quần áo của con toàn đồ giống y như con trai, khi hỏi con, cô bé chẳng ngại ngần nói với mẹ: “Mẹ quá cổ hủ, bây giờ người ta đều mặc đồ theo hướng Unisex (phi giới tính) cả”.

Không riêng bố mẹ chiều con, các bà cũng ra sức chiều cháu. Từ bé đã cho các cháu mặc những bộ đồ không hợp giới tính khi sinh ra của các cháu. Được nuông chiều, đáp ứng mọi yêu cầu từ bé, lớn lên, những đứa trẻ như vậy cứ quen thói đòi hỏi nhõng nhẽo. Hiện tượng “đồng tính giả” trong học đường ngày một nhiều. Tìm hiểu những nguyên nhân khiến các em chạy theo xu hướng trên, không thể không nhắc đến vai trò của gia đình. Nhiều em đang sống trong một môi trường thiếu sự chăm sóc toàn diện về thể chất, tâm lý và sự giáo dục hòa nhập với xã hội của gia đình, nhưng cũng nhiều em lại do gia đình quá nuông chiều, con muốn sao cũng được.

GS. TS David J Bredehoft - chủ nhiệm môn Khoa học xã hội và Hành xử trường ĐH St Paul (Minnedota) - viết trong cuốn sách “Bao nhiêu là đủ” rằng: “Cưng chiều con quá mức không làm cho chúng sung sướng, mà trái lại, chúng rất khổ sở. Trẻ em cần có những phụ huynh nghiêm nghị nhưng dân chủ hơn là những người chiều chuộng chúng”.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20131228115613468p1043c1044/can-trong-nhung-lech-lac-gioi-tinh-khi-qua-chieu-con.htm