Cẩn trọng khi mua đồng hồ đo đường huyết

Đánh vào tâm lý ngại thử đường huyết bằng phương pháp truyền thống của nhiều người, hiện trên thị trường rao bán nhiều loại đồng hồ đo đường huyết không xâm lấn. Nhiều người vì cả tin nên 'tiền mất, tật mang'.

Nghe một số người bạn nhắc tới việc chỉ cần đeo chiếc đồng hồ trên tay, rồi đo chỉ số đường huyết chỉ bằng 1 nút bấm, chị Nguyễn Hà Phương (Hà Nội) quyết định tìm hiểu để mua tặng mẹ.

"Tiền mất tật mang"

Hình ảnh quảng cáo đồng hồ đo đường huyết.

"Mẹ tôi đã 70 tuổi, mắc tiểu đường 7 năm nay, ngoài uống thuốc theo đơn của bác sĩ, mỗi ngày bà thường đo đường huyết 1 lần vào buổi sáng.

Chiếc máy đo cũng gọn nhẹ nhưng phải dùng bút bấm ngón tay, nặn ra giọt máu rồi mới đưa que thử vào máy và bấm chạy. Hầu hết là con cháu làm giúp bà, có hôm bà tự làm nhưng loay hoay.

Hôm trước tôi có liên hệ với bên bán đồng hồ đo đường huyết, họ khẳng định kết quả chính xác mà không cần lấy máu.

Tuy nhiên, họ không giải thích rõ nguyên lý hoạt động của thiết bị nên tôi rất băn khoăn. Vì thế tôi muốn tham vấn thêm ý kiến bác sĩ điều trị cho mẹ trước khi mua", chị Phương chia sẻ.

Nhưng không phải ai cũng cẩn thận như chị Phương. Trong một lần lướt Faceboook, ông Nguyễn Văn Chiến (Hà Đông) đọc được thông tin về đồng hồ đeo tay đo được chỉ số đường huyết, ông quyết định mua 1 chiếc với giá 999.000 đồng.

"Tôi mắc tiểu đường 4 - 5 năm nay, cũng thường phải đo đường huyết. Xem quảng cáo, tôi thấy họ giới thiệu cả hình ảnh người mắc tiểu đường giống tôi, đo bằng đồng hồ và bằng máy đều cho kết quả như nhau, rất chuẩn xác. Thấy tiện quá nên tôi mua", ông Chiến cho hay.

Đeo được chục ngày, dù đồng hồ lúc nào cũng báo đường huyết của ông ổn định 6,4 - 6,8mmol/l nhưng ông thấy cơ thể mệt hơn, chóng mặt nên cậu con trai mang máy đo đường huyết ra kiểm tra.

Kết quả chỉ số đường của ông vượt gấp rưỡi so với chỉ số ở đồng hồ, khiến cả gia đình hoảng hốt, đưa ông đi gặp bác sĩ để khám và điều chỉnh thuốc.

Phải mất 1 tuần sau, ông Chiến mới hồi lại. Bức xúc vì vừa mất tiền, vừa suýt bệnh nặng, ông Chiến gọi phản hồi cho người bán nhưng điện thoại… không liên lạc được.

Khảo sát nhanh trên thị trường, hiện đang có loại đồng hồ đo đường huyết, huyết áp được quảng cáo "đo chuẩn xác như máy không cần lấy máu với độ chính xác 99%; được bác sĩ khuyên dùng và có xuất xứ Nhật Bản".

Giá thành cũng mỗi nơi một kiểu, xê dịch từ 343.000 đồng đến hơn 1.300.000 đồng/chiếc. Loại đồng hồ quảng cáo đo đường huyết không xâm lấn này được rao bán nhiều trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử.

Theo bác sĩ chuyên khoa nội tiết Lê Phong, Bệnh viện Đa khoa An Việt, đối với bệnh nhân tiểu đường, ngoài việc tuân thủ đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ thì việc tự theo dõi đường huyết ở nhà luôn được các bác sĩ khuyến cáo thực hiện thường xuyên.

Từ kết quả đường huyết, người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc, phòng ngừa biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra. Chính vì vậy thiết bị đo đường huyết cần chính xác.

Chưa được cấp phép

BS Lê Phong cho biết thêm, hiện tại, để theo dõi, kiểm tra đường huyết tại nhà chỉ có kỹ thuật đo đường huyết mao mạch được khuyến cáo dùng cho người bệnh.

Còn sản phẩm có tên "đồng hồ đo đường huyết" chưa được Bộ Y tế hay đơn vị chức năng nào cấp phép, công nhận. Sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng, có thể gây hại cho bệnh nhân nếu cho kết quả đường huyết không chính xác.

Theo vị chuyên gia này, sản phẩm đo đường huyết cho kết quả sai lệch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh.

Nếu đồng hồ hiển thị mức đường huyết cao, bệnh nhân sẽ tăng liều thuốc uống hoặc tiêm thêm insulin khiến lượng đường trong máu hạ quá thấp, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Trường hợp đồng hồ hiển thị đường máu ở mức bình thường khiến bệnh nhân lầm tưởng bệnh đã được kiểm soát tốt, dẫn đến chủ quan.

Trong khi thực tế đường huyết luôn ở mức cao, nguy cơ sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận…

BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, hiện các tổ chức y tế không khuyến cáo sử dụng các hệ thống đo đường huyết không xâm lấn để thay thế các kỹ thuật đo đường huyết mao mạch hoặc đo đường huyết liên tục (CGM).

Hiện vẫn cần thêm thời gian và bằng chứng về phương pháp đo đường huyết không xâm lấn.

Còn theo khuyến cáo của BS Đặng Bích Ngọc, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh nên mua máy đo đường huyết chính hãng, không mua hàng trôi nổi hay nghe theo quảng cáo không có cơ sở khoa học.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người ở nước ta đang mắc căn bệnh này.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong đó chỉ có khoảng 36% đã được chẩn đoán là điều trị tốt. Còn lại phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán khi đã bị biến chứng tim mạch, thận hay thần kinh...

Trong số hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng thì có 34% là biến chứng về tim mạch; gần 40% có biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Lan Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-trong-khi-mua-dong-ho-do-duong-huyet-192230912102932435.htm