Cẩn trọng khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều vụ việc tán phát tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, do yếu tố vụ lợi cùng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân nên tình trạng này vẫn đang có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương tiến hành làm việc và ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với ông BĐP, sinh năm 1990, quê ở tỉnh Cao Bằng, hiện đang sinh sống tại TP Thuận An (Bình Dương) về hành vi “Thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Trước đó, ông BĐP đã sử dụng tài khoản facebook của mình bình luận trên fanpage “Truyền hình An ninh Cao Bằng” với nội dung xúc phạm lực lượng công an. Qua làm việc với cơ quan công an, ông BĐP cho biết chỉ định “đăng cho vui” và tự giác nộp phạt, cam kết sẽ không tái phạm.

Thông tin sai sự thật tán phát trên mạng xã hội về việc 4 công nhân Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng bán dâm và lây lan HIV cho nhiều người.

Trước đó, 4 người ở TP Hải Phòng cũng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì đã đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về việc 4 công nhân Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng có trụ sở tại khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương bán dâm và lây lan HIV cho nhiều người, gây hoang mang dư luận. Tại cơ quan công an, cả 4 đối tượng đã thừa nhận hành vi sai phạm và tự gỡ bỏ bài đăng trên mạng xã hội.

Nhiều người cho rằng, không gian mạng là môi trường “ảo” và sẽ không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình nên vô tư đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin tùy tiện, theo cảm tính. Một số người vì động cơ cá nhân, vụ lợi đã cố tình đăng tin giả, tin giật gân để câu like, tăng tương tác. Nguy hiểm hơn, có những cá nhân, tổ chức còn sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, người nổi tiếng, lợi dụng vấn đề “nóng”, xã hội quan tâm để đăng thông tin xuyên tạc, kích động dư luận, gây hoang mang trong nhân dân, làm mất trật tự, an toàn xã hội.

Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Trường hợp hành vi đăng tin sai sự thật, giả mạo trên mạng xã hội có yếu tố cấu thành tội phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Do đó, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, không đúng sự thật.

NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/can-trong-khi-dang-tai-thong-tin-len-mang-xa-hoi-768640