Cẩn trọng các thuốc gây kích phát cơn hen

Hen phế quản - một bệnh có căn nguyên dị ứng, nên cơ địa người bệnh rất nhạy cảm với các loại thuốc điều trị.

Hơn nữa, người bệnh hen đa phần là người cao tuổi, nên thường mắc kèm một số bệnh khác và phải dùng nhiều loại thuốc điều trị. Một số thuốc có thể gây kích phát cơn hen, làm trầm trọng hơn bệnh hen.

Aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid

Aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như piroxicam, ketoprofen, ibuprofen, indomethacin thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến viêm, đau… Tác dụng ngoại ý của các thuốc này là có thể gây co thắt phế quản và làm khởi phát các cơn hen nặng. Đặc biệt là ở những người bệnh hen có kết hợp với viêm xoang và polyp cuốn mũi, các cơn hen nặng sẽ rõ rệt hơn. Các thuốc này có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hen cho một số trường hợp không có bệnh hen trước đó có thể xuất hiện các triệu chứng của hen sau khi dùng thuốc.

Nguy cơ phản ứng của các thuốc này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng dùng và mức độ nhạy cảm của từng cá nhân. Các phản ứng đối với aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid có biểu hiện tương đối giống nhau. Các cơn hen cấp thường xuất hiện khoảng một giờ sau uống thuốc, sau đó xuất hiện chảy nước mũi, đỏ mắt và nổi ban đỏ ở đầu và cổ. Những phản ứng này có thể rất nguy hiểm. Một liều duy nhất của các thuốc này có thể gây co thắt phế quản nặng, sốc, mất ý thức và ngừng thở. Các phản ứng này ít xảy ra ở người trẻ tuổi mà thường xuất hiện sau tuổi 30 - 40, rồi tồn tại đến hết đời. Do vậy khi có nhạy cảm với aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không steroid, bệnh nhân hen cần tránh tiếp xúc với tất cả các thuốc này. Trẻ em mắc bệnh hen có nhạy cảm với aspirin cũng không bao giờ được dùng aspirin. Nếu buộc phải sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau, nên sử dụng các thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc men cyclooxygenase 2 (COX-2) như rofecoxib, nimesulid. Việc điều trị giảm mẫn cảm với các thuốc này có thể được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa nếu cần thiết.

Việc sử dụng thuốc cũng có thể gây kích phát cơn hen.

Các thuốc điều trị bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp

Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm (acebutolol, atenolol, bisoprolol, metoprolol, nebivolol, propranolol): Có hai dạng là dạng viên để chữa bệnh tăng huyết áp, bệnh tim, dạng thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh tăng nhãn áp. Cần lưu ý, loại thuốc này ngay cả dưới dạng thuốc nhỏ mắt cũng có thể làm triệu chứng bệnh hen xấu đi. Do đa số thuốc chẹn bêta không chỉ ức chế thụ thể beta-1 chọn lọc tác động trên tim mạch mà còn ức chế thụ thể beta-2 gây co thắt phế quản. Cho nên nhiều thuốc chẹn bêta ngoài hạ huyết áp có thể gây phản xạ ho (do co thắt phế quản), có thể gây kịch phát cơn hen vì trên đường hô hấp có sự hiện diện của các thụ thể beta. Vì vậy, các thuốc thuộc nhóm này chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, suy tim, nhịp tim chậm. Người bệnh đặc biệt lưu ý propranolol là thuốc có hiệu quả rất mạnh lên khí quản gây co thắt và khởi phát cơn hen.

Trong nhóm thuốc này, các thuốc có tác dụng chọn lọc trên tim gọi là thuốc ức chế thụ thể beta-1 chọn lọc (atenolol, bisoprolol, metopprosol), dù được thử nghiệm trên lâm sàng cho thấy dù thuốc này an toàn hơn cho bệnh nhân hen thể nhẹ và vừa nhưng vẫn có xu hướng gây co thắt phế quản ở một số người, nên cũng kích phát cơn hen. Do đó cần thận trọng khi dùng các thuốc này cho bệnh nhân hen hoặc tốt nhất là nên dùng liều thuốc đầu tiên tại bệnh viện để nếu có cơn hen khởi phát, bác sĩ có thể xử trí tức thì.

Thuốc ức chế men chuyển (benazepril, captopril, enalapril, perindopril, quinapril): Thuốc làm giãn mạch máu, tác dụng hạ huyết áp tốt, làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch. Tuy nhiên, các thuốc trong nhóm này có thể gây ho khan mạn tính và dai dẳng. Triệu chứng ho do thuốc gây ra có thể che giấu triệu chứng hen và bản thân triệu chứng ho cũng có thể làm khởi phát cơn hen. Hơn nữa, ho có thể làm trào ngược dạ dày. Đây cũng là yếu tố kích phát cơn hen. Vì vậy, người bệnh hen nếu cần thiết phải dùng loại thuốc này thì nên theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ của thuốc.

Nếu không có thuốc khác thay thế, việc dùng các thuốc trong điều trị bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân hen cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các tác dụng phụ và kịp thời có giải pháp xử trí.

Thuốc chữa viêm mũi xoang

Các bệnh nhân hen thường mang cơ địa dị ứng với nhiều bệnh dị ứng đi kèm như viêm mũi xoang dị ứng, có người đã chuyển sang viêm mạn tính. Đối với người bệnh viêm mũi xoang mạn tính có tiền sử dị ứng là một yếu tố thúc đẩy cơn hen xảy ra nhiều hơn, dễ đưa tới các cơn hen nguy kịch với tình trạng khó thở nặng, cơn kéo dài, khó cắt cơn trong điều trị. Bên cạnh đó, trong các đợt cấp của bệnh, người bệnh thường được chỉ định dùng kháng sinh. Nhóm kháng sinh penicillin, cephalosporin các thế hệ hoặc nhóm aminoglycosid là những kháng sinh dễ gây dị ứng, tác động xấu tới cơn hen. Do đó cần thận trọng dùng những nhóm kháng sinh này. Thay vào đó có thể lựa chọn điều trị bằng các loại kháng sinh ít có nguy cơ dị ứng như nhóm macrolid, quinolon.

Thuốc an thần

Các thuốc an thần giãn cơ như diazepam, lorazepam có thể gây ức chế trung tâm hô hấp và giảm trương lực cơ hô hấp, từ đó làm cho tình trạng hen nặng lên, dễ xuất hiện các cơn hen cấp. Do đó, người bệnh hen nên thận trọng khi dùng các thuốc an thần. Đặc biệt không nên sử dụng các thuốc an thần trong cơn hen cấp.

Thuốc kháng histamin H1

Các thuốc kháng histamin H1 thế hệ cũ như chlorpheniramin, diphenhydramin thường được dùng trong điều trị các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, mày đay. Các thuốc này làm giảm tiết dịch đường hô hấp và thường gây ra quánh đờm, từ đó ảnh hưởng không tốt đến tình trạng hen.

Người bệnh hen phế quản có cơ địa rất nhạy cảm. Do vậy, khi đi khám bệnh, cần thông báo cho bác sĩ biết tiền sử bệnh để có hướng chỉ định dùng thuốc phù hợp, tránh những bất lợi do thuốc gây ra.

DS. Nguyễn Thanh Lâm

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/can-trong-cac-thuoc-gay-kich-phat-con-hen-n137057.html