Cần tổng kiểm tra “sức khỏe” các ngân hàng

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - TS Trần Hoàng Ngân trao đổi với Thanh Niên về giải pháp tái cơ cấu NH vốn là một trong 3 nội dung trọng tâm khi thực hiện tái cơ cấu kinh tế.

“Việc cần làm đầu tiên khi tái cơ cấu ngân hàng là tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) để có đánh giá cụ thể từng NH bằng một ủy ban độc lập, sử dụng các chuyên gia, sử dụng bộ máy kiểm toán nước ngoài cũng như hệ thống thanh tra giám sát của NH Nhà nước và của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia”, TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

TS Trần Hoàng Ngân - Ảnh: N.Thắng

Chúng ta nói nhiều đến việc tái cấu trúc NH theo hướng sáp nhập, vậy theo ông việc sáp nhập sẽ diễn ra giữa các NH lớn với nhau hay chỉ là NH lớn mua lại NH nhỏ và phải có tiêu chí thế nào để nhận diện các NH thuộc đối tượng bị sáp nhập?

Khó để định nghĩa thế nào là NH lớn, thế nào là NH nhỏ nhưng tôi nghĩ xu hướng sáp nhập sẽ diễn ra giữa các NH nhóm B với nhau để tăng sức cạnh tranh, hoặc các NH nhóm A (hoạt động hiệu quả tốp đầu) sẽ mua lại NH nhỏ nhiều hơn là việc sáp nhập giữa các NH nhóm A với nhau.

Còn tiêu chí để buộc NH nào đó phải sáp nhập vào NH khác như ở các nước người ta thường căn cứ vào luật Phá sản, chủ yếu là tính trên cơ sở mất bao nhiêu vốn qua quá trình hoạt động kinh doanh, và căn cứ vào việc có chi trả được cho người gửi tiền khi đến hạn phải thanh toán hay không.

Một trong những lý do khiến nhiều người khi nhắc đến việc sáp nhập, giải thể các NHTM làm ăn kém hiệu quả đều lo “nhạy cảm” là vì nó ảnh hưởng tới rất nhiều đối tượng liên quan, đặc biệt là người dân. Phải xem xét vấn đề này như thế nào khi tiến hành tái cơ cấu NH, thưa ông?

Ở đây mình phải lưu ý quá trình tái cơ cấu NH có những giải pháp hành chính mang tính chất bắt buộc và có những giải pháp tự nguyện tùy theo thể trạng của từng NHTM. NHTM là loại hình kinh doanh rất đặc biệt, hoạt động của nó ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng, rất nhiều doanh nghiệp và thậm chí hàng ngàn, hàng triệu người dân gửi tiền nên chúng ta phải xử lý trên 2 quan điểm căn bản, đó là bảo vệ an toàn tài chính quốc gia và bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Nghĩa là trong trường hợp cần thiết Nhà nước phải can thiệp và rót vốn vào một số NHTM thông qua NH Nhà nước khi thực hiện tái cơ cấu?

''Để người dân biết được NH nào an toàn mà chọn gửi tiền thì phải thực hiện định kỳ hằng quý hoặc 6 tháng một lần công bố các chỉ tiêu hoạt động của các NH về lợi nhuận ròng trên vốn tự có, trên doanh thu, chi phí, tài sản, tốc độ tăng huy động vốn, nợ xấu... và công khai tất cả thông tin đó cho người dân được biết'' - TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Đúng vậy. Chẳng hạn đối với NH đã mất khả năng thanh toán thì chúng ta sử dụng giải pháp giám sát đặc biệt và trong quá trình giám sát đặc biệt, nếu thấy “sức khỏe” của “bệnh nhân” đó không thể hồi phục được thì NH Nhà nước phải quốc hữu hóa, hoặc sẽ tham gia mua cổ phần để vực dậy trên tinh thần như tôi nói là để bảo vệ cho người gửi tiền và bảo vệ an toàn an ninh tài chính quốc gia. Còn đối với cổ đông của NH bị quốc hữu hóa hoặc bị sáp nhập, mua lại cổ phần thì ngay từ khi đóng góp vốn anh đã phải hiểu và chấp nhận luật chơi lời ăn lỗ chịu. Vấn đề lớn nhất khi tái cơ cấu là phải bảo vệ an toàn hệ thống và quyền lợi cho người dân, DN gửi tiền vào đó.

Việc tái cấu trúc NH nên nhanh chóng thực hiện từ nay đến hết năm 2012 để tạo đà cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 3 năm tiếp theo, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 - 2015).

Như ông vừa nói, đây không phải lần đầu chúng ta tái cơ cấu NH mà đã đôi ba lần thực hiện trong từng giai đoạn bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế khu vực hoặc xuất phát từ nhu cầu nội tại. Vậy chúng ta có thể học được kinh nghiệm gì cho lần tái cơ cấu NH sắp tới từ các lần tái cơ cấu trước?

Phải hết sức minh bạch, công khai từng công đoạn thực hiện tái cơ cấu, thông tin về các NHTM và thứ hai là phải làm nhanh, làm quyết liệt đồng thời chuẩn bị chu đáo kịch bản ứng phó với phản ứng phụ từ chuyện thực hiện tái cơ cấu NH. Tức là khi tái cấu trúc, sắp xếp NH sẽ lập tức ảnh hưởng đến thị trường bên ngoài nên phải có kịch bản chuẩn bị, như chuẩn bị một lượng tiền lớn để chi trả trong trường hợp người dân, doanh nghiệp gửi tiền tại các NH bị sáp nhập, giải thể, mua bán đồng loạt đến rút tiền gửi.

Ông có lời khuyên gì cho người dân khi quá trình tái cấu trúc NH diễn ra sẽ ít nhiều tác động đến tâm lý và quyết định của họ trong việc gửi tiền nhàn rỗi qua kênh này?

Đối với người dân, tôi nghĩ khi có tiền nhàn rỗi thì phải tính toán đem gửi vào những nơi an toàn và cũng lưu ý đừng bị dụ dỗ bởi những chiêu khuyến mãi lãi suất cao vì nguyên tắc của thị trường là lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Tuy nhiên, để người dân biết được NH nào an toàn mà chọn gửi tiền thì phải thực hiện định kỳ hằng quý hoặc 6 tháng một lần công bố các chỉ tiêu hoạt động của các NH về lợi nhuận ròng trên vốn tự có, trên doanh thu, chi phí, tài sản, tốc độ tăng huy động vốn, nợ xấu... và công khai tất cả thông tin đó cho người dân được biết.

Bảo Cầm
(thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111102/can-tong-kiem-tra-suc-khoe-cac-ngan-hang.aspx