Cần thống nhất trang phục dành cho lực lượng bảo vệ

(VOH) - Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 45/2009/TT-BCA hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định Chính phủ về việc quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Theo đó, toàn bộ nhân viên bảo vệ trong cả nước sẽ có chung một kiểu trang phục. Bên cạnh đó, nhân viên bảo vệ sẽ được trang bị các loại công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ được quy định cụ thể trong thông tư.

Nhân viên của Công ty Bảo vệ Đại Dương.Ảnh: Internet Thông tư của Bộ Công an quy định, trang phục xuân hè của nhân viên bảo vệ là quần xanh đen, áo sơ mi xanh da trời. Trang phục thu đông là quần xanh đen, áo ngoài kiểu veston dài tay cùng màu quần, bên trong là áo sơ mi dài tay, thắt cà vạt xanh đen. Trong khi làm nhiệm vụ, nhân viên bảo vệ phải đội mũ lưỡi trai cùng màu quần, đeo biển hiệu và giấy chứng nhận nhân viên bảo vệ, cầu vai áo của nhân viên bảo vệ chỉ có một vạch màu vàng. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có 2 năm để tiến hành thay đổi toàn bộ trang phục cho nhân viên. Trước quy định này, một số công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ và doanh nghiệp tư nhân cho rằng họ vẫn muốn tự thiết kế những kiểu trang phục cho nhân viên với màu sắc riêng biệt nhằm khẳng định thương hiệu. Anh Nguyễn Bá Thể, trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Đại Dương cho biết: Ngược lại, phần lớn người dân đều tán thành việc quy định trang phục thống nhất cho bảo vệ. Trong vài năm trở lại đây bóng dáng của các nhân viên bảo vệ - vệ sĩ hiện diện khắp mọi nơi trong thành phố, từ quán ăn, nhà hàng, siêu thị, khách sạn cho đến những hầm giữ xe của các tòa cao ốc, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, tình trạng bát nháo trong trang phục của giới bảo vệ đã và đang gây nhiều phản cảm, bức xúc trong quần chúng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, ngụ tại đường Nguyễn Thiện Thuật Q3 cho biết, thành phố đang xuất hiện ngày càng nhiều nhân viên bảo vệ - vệ sĩ ăn mặc kệch cỡm, lòe loẹt không tương xứng với chức năng, nhiệm vụ. Thật vậy, chỉ cần rảo một vòng quanh các quận trung tâm thành phố là sẽ dễ dàng bắt gặp những nhân viên bảo vệ khoác lên mình bộ trang phục chẳng khác gì những cán bộ quản lý Nhà nước và các sĩ quan quân đội. Nhân viên bảo vệ của khách sạn Phú Thọ trên đường 3 Tháng 2 thường khiến người dân lầm tưởng là một chiến sĩ công an. Cũng mũ kêpi và áo vàng, cũng cầu vai với gạch, lon sao đầy đủ nhưng nhiệm vụ chính của nhân viên bảo vệ này chỉ là… giữ xe. Còn cửa hàng Thế Giới Đi Động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai lại có một đội ngũ bảo vệ trông như sĩ quan trong quân đội với cả dây đeo màu đỏ vắt trên vai. Ấn tượng hơn, đội ngũ nhân viên bảo vệ kiêm giữ xe tại Trung tâm điện máy Ideas trên đường Cách Mạng Tháng Tám lại diện trang phục túi hộp màu xanh rêu trông hệt những anh cảnh sát đặc nhiệm. Có thể thấy, phần lớn nhân viên bảo vệ tại các công ty, doanh nghiệp thường mặc trang phục được biến tấu từ sắc phục của các cán bộ thuế, hải quan, cán bộ quản lý trật tự đô thị… Các nhà hàng, khách sạn, vũ trường cũng không kém cạnh trong lĩnh vực thiết kế trang phục cho bảo vệ. Khi đi ngang nhà hàng Sinh Đôi trên đường Lý Thái Tổ, người dân sẽ bắt gặp những nhân viên bảo vệ nổi bật với bộ cánh màu đen, đầu cạo trọc trông đầy vẻ bặm trợn như trong các bộ phim hình sự. Bảo vệ của khách sạn Kingston trên đường Thủ Khoa Huân thì diện quần đen, áo đỏ với hai hàng nút vàng sáng bóng theo kiểu sĩ quan thời Napoleon đệ 1. Đặc biệt, bảo vệ của nhà hàng Maria trên đường Nguyễn Đình Chiểu lại đội nón bêrê theo kiểu lính chiến ở các nước châu Âu...Do vậy, việc Bộ Công an đưa ra những tiêu chí chung về trang phục cho lực lượng bảo vệ là hoàn toàn hợp lý. Thông tư của Bộ Công an cũng cho phép doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được trang bị 4 loại công cụ hỗ trợ bao gồm: gậy cao su, gậy sắt, roi cao su, roi điện. Trong số đó, roi điện là một loại vũ khí nguy hiểm do roi sử dụng dòng điện 220V nên có thể gây chết người. Quy định cho bảo vệ sử dụng roi điện đã khiến nhiều người dân lo ngại. Mối lo ngại này hoàn toàn có cơ sở vì trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ nhân viên bảo vệ hành hung người dân. Mới đây nhất là vụ một nhóm bảo vệ tại bệnh viện Đà Nẵng đánh người nhà bệnh nhân gây thương tích nặng vào ngày 29/7. Những vụ việc tương tự như vậy đã làm xấu đi hình ảnh của những nhân viên bảo vệ trong mắt dân chúng. Ông Nguyễn Mậu Khuông, ngụ tại đường Cao Thắng Q.3 có ý kiến: Thông tư của Bộ Công an về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/8/2009. Việc quy định một kiểu trang phục chung cho nhân viên bảo vệ trong cả nước là một hành động thiết thực nhằm chấm dứt tình trạng chạy đua, cạnh tranh trang phục gây nên những hình ảnh bát nháo nơi công cộng. Nhờ vậy, người dân cũng không còn lầm lẫn nhân viên bảo vệ với cán bộ công chức Nhà nước, qua đó nhân viên bảo vệ sẽ phần nào nhận thức được trách nhiệm và quyền hạn của mình. Tuy nhiên, việc cho nhân viên bảo vệ dùng các công cụ hỗ trợ như roi điện khi làm nhiệm vụ cần phải được xem xét kỹ lưỡng và quy định cụ thể danh mục những cơ quan được phép cho nhân viên bảo vệ trang bị loại phương tiện này. Thanh Hà

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/index.aspx?catid=11&id=21451