Cần Thơ: Tư pháp hướng về cơ sở

Năm 2013, ngành tư pháp Cần Thơ xác định là năm "Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng ngành trong sạch vững mạnh” nhằm thực hiện nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ về chủ đề: "Cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực hướng về cơ sở” đồng thời hưởng ứng chương trình của Bộ Tư pháp: "Tư pháp hướng về cơ sở”, "Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Nhân dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa

xã nông thôn mới Trung An (huyện Cờ Đỏ)

Trong các hoạt động tư pháp hướng về cơ sở, ngành tư pháp phát động phong trào thi đua "ngành tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới”; tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí cho người nghèo; trang bị kệ sách pháp luật và thí điểm đặt hộp thư góp ý tại 8 ấp của xã Thới Đông để nhân dân gửi các thắc mắc về pháp luật, các góp ý xây dựng chính quyền, phản ảnh các hiện tượng nhũng nhiễu của cán bộ.

Ngành tư pháp thực hiện "3 giảm, 3 tăng” bao gồm giảm hội họp; giảm ra các văn bản chưa cần thiết, thiếu tính khả thi; giảm chi phí và "3 tăng” là: Tăng cường đi cơ sở; Tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển; Tăng nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương”.

Ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ nhận định: Cải cách hành chính được xem là bước đột phá để giảm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp đồng thời là phương tiện đưa luật vào thực tiễn cuộc sống, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Sở Tư pháp với chức năng thẩm định văn bản và góp ý văn bản pháp qui giúp UBND thành phố điều hành các lĩnh vực kinh tế-xã hội, qua hơn 2 năm thực hiện chương trình CCHC, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt là tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong một số lĩnh vực về quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị tại địa phương… Điểm nổi bật trong năm 2013 của ngành tư pháp Cần Thơ là tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đảm bảo dân chủ, khoa học, công khai, chất lượng. Sở Tư pháp thực hiện đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật, tổ chức cho nhân dân góp ý về đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2012-2016”. Các quận, huyện, cơ sở có nhiều mô hình hay như: Tổ chức "ngày pháp luật”; "quán cà phê pháp luật”; hội thi văn nghệ tuyên truyền , phổ biến, giáo dục pháp luật; hội thi hòa giải viên giỏi,…

Trong các hoạt động tư pháp hướng về cơ sở, ngành tư pháp phát động phong trào thi đua "ngành tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới”; tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí cho người nghèo; trang bị kệ sách pháp luật và thí điểm đặt hộp thư góp ý tại 8 ấp của xã Thới Đông để nhân dân gửi các thắc mắc về pháp luật, các góp ý xây dựng chính quyền, phản ảnh các hiện tượng nhũng nhiễu của cán bộ. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các câu lạc bộ pháp luật cơ sở và hỗ trợ sách pháp luật cho các tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn. Năm 2013, kỷ niệm 68 năm ngày thành lập ngành tư pháp, Sở Tư pháp phối hợp với các bệnh viện, các doanh nghiệp vận động tài trợ, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí về sản phụ khoa và nội nhi; tặng sữa, bánh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; trao tập vở, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo hiếu học cho các huyện vùng xa của thành phố Cần Thơ. Những cán bộ tư pháp cơ sở khó khăn, có nhiều đóng góp cũng được tặng "Mái ấm tư pháp”. Sở Tư pháp Cần Thơ phối hợp với báo Pháp luật tặng 13 "Mái ấm tư pháp” cho cán bộ tư pháp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và trao tiền ủng hộ mua xe cứu thương cho đội xã hội tình nguyện huyện Phong Điền. Sở cũng đã chọn xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và là điểm chỉ đạo các mặt công tác hoạt động tư pháp; tập huấn hòa giải cơ sở nhằm nâng cao tỉ lệ hòa giải, hạn chế đơn thư khiếu nại, vượt cấp trong dân; xây dựng mô hình "cà phê pháp luật” để vừa là nơi thư giãn vừa là điểm tư vấn, hướng dẫn pháp lý cho nhân dân và trang bị tủ sách pháp luật cho các xã, phường, thị trấn.

Qua việc thực hiện chương trình tư pháp hướng về cơ sở, ngành tư pháp có bước chấn chỉnh lề lối làm việc, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã, phường, thị trấn, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng hoạt động trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp đồng thời góp phần vào công tác an sinh xã hội tại thành phố Cần Thơ.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=74097&menu=1395&style=1