Cần thiết chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong hệ thống BHYT?

Việt Nam có năm ngân hàng sữa mẹ tại bốn tỉnh thành Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, và hai NHSM vệ tinh tại Quảng Nam và Cần Thơ. 4.000 bà mẹ đã tham gia hiến tặng, với lượng sữa hiến tặng đạt 30.000 lít, cung cấp cho 55.000 trẻ sơ sinh.

Tại Hội thảo Hoạt động của mạng lưới Ngân hàng sữa mẹ Việt Nam giai đoạn 2017 - 2023 và tác động của sữa mẹ thanh trùng tới chăm sóc, điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân và khuyến nghị chính sách do Bộ Y tế vừa tổ chức bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt với trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng hoặc có bệnh lý cần điều trị tích cực từ những ngày tháng đầu đời.

Bà Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho hay vẫn còn tồn tại nhiều thách thức trong việc cung cấp sữa mẹ thanh trùng để điều trị và cứu sống nhóm trẻ có nhiều nguy cơ này.

Vai trò của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng và ngân hàng sữa mẹ

Từ năm 2017, Bộ Y tế đã thiết lập thí điểm ngân hàng sữa mẹ (NHSM) đầu tiên tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để cung cấp sữa mẹ thanh trùng cho những trẻ sơ sinh không có cơ hội được bú mẹ do phải điều trị hoặc mẹ có vấn đề về sức khỏe. NHSM sẽ thực hiện sàng lọc và thanh trùng nguồn sữa từ các mẹ hiến tặng, từ đó không chỉ cung cấp dinh dưỡng để nuôi sống mà còn có mang lại kết quả điều trị rất khả quan cho trẻ.

Theo BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng giúp giảm nguy cơ xuất huyết não nặng, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, giảm nguy cơ loạn sản phế quản phổi, bệnh võng mạc mắt và bảo vệ não bộ của trẻ sinh non.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khi trẻ không được ăn sữa mẹ đẻ thì sữa mẹ hiến tặng là lựa chọn thứ hai, bởi dinh dưỡng và kháng thể từ sữa mẹ góp phần thiết yếu vào quá trình điều trị và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Với Quyết định số 2394/QĐ-BYT ngày 14/5/2021 của Bộ Y tế, việc thiết lập và vận hành mạng lưới NHSM Việt Nam đã được chính thức quy định trong hệ thống pháp luật. Giống như ngân hàng máu, các NHSM hoạt động với phương châm nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, đảm bảo việc hiến sữa hoàn toàn tự nguyện. Bên cạnh đó, các khâu vận hành của NHSM phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn vi sinh và duy trì các thành phần sinh học thiết yếu trong sữa mẹ như đạm, kháng thể và vitamin.

Theo bà Nguyễn Mai Hương, chuyên viên Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, tính tới năm 2023, Việt Nam có năm NHSM tại bốn tỉnh thành Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, và hai NHSM vệ tinh tại Quảng Nam và Cần Thơ. 4.000 bà mẹ đã tham gia hiến tặng, với lượng sữa hiến tặng đạt 30.000 lít, cung cấp cho 55.000 trẻ sơ sinh.

Trung bình mỗi năm các NHSM thu nhận hơn 10.000 lít sữa từ 350 bà mẹ hiến tặng, cung cấp hơn 9.300 lít sữa mẹ thanh trùng hiến tặng đạt chuẩn cho hơn 18.000 trẻ. Tỷ lệ sữa đạt chất lượng vi sinh ngày càng cải thiện, tăng từ 74% năm 2017 lên 95% năm 2022, và không có biến cố bất lợi trong quá trình sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng. Các NHSM đều đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc từ bà mẹ hiến tặng tới trẻ nhận sữa, từ đó giúp quản lý chất lượng và kiểm soát an toàn vệ sinh.

Kiến nghị việc chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong hệ thống BHYT

Theo báo cáo tình hình sức khỏe trẻ em của Bộ Y tế, trong khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân sinh ra mỗi năm, ước tính khoảng 35.000 trẻ cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, với nhu cầu khoảng 100 lít mỗi ngày. Nếu vận hành tối đa công suất, các NHSM có thể thanh trùng 102 lít sữa/ngày, đảm bảo khả năng cung cấp đủ sữa mẹ thanh trùng cho trẻ có nguy cơ trên toàn quốc.

Tuy nhiên, giá thành của một lít sữa mẹ thanh trùng đang ở mức 1.400.000đ/lít, được tính toán dựa trên chi phí để duy trì vận hành NHSM trên thực tế. Theo số liệu từ NHSM Đà Nẵng, mỗi đợt điều trị cho một trẻ cần trung bình 0,63 lít sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, với chi phí khoảng 882.000đ. Khoản tiền này có thể trở thành gánh nặng với các gia đình có thu nhập thấp hoặc gia đình có trẻ sơ sinh bệnh lý phải điều trị dài ngày tại bệnh viện.

Theo bà Vũ Hoàng Dương, Quản lý Chương trình Việt Nam, Alive & Thrive Đông Á Thái Bình Dương, WHO đã quy định sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là sản phẩm y tế có nguồn gốc từ con người, tương tự như máu, huyết tương và mô cầu. Hiện tại, danh mục chi trả của BHYT tại Việt Nam đã bao gồm máu và các chế phẩm của máu, nhưng chưa có quy định về chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

Tại BV Từ Dũ, cơ sở trọng điểm trong việc tiếp nhận điều trị trẻ sinh non tại TP. Hồ Chí Minh, theo BS Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, kết quả vận hành NHSM cho thấy việc sử dụng sữa mẹ thanh trùng hiến tặng giúp giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng kháng sinh và dịch truyền tĩnh mạch ở trẻ sinh non, từ đó giúp giảm chi phí điều trị y tế. Đây là lợi ích rất lớn về mặt chi phí nếu sữa mẹ hiến tặng thanh trùng được BHYT chi trả.

Một trong các công đoạn chuẩn bị bảo quản sữa tại NHSM Bệnh viện Nhi TW Ảnh: Văn Quyết

Còn theo BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, ngoài những lợi ích trước mắt về giảm chi phí điều trị, việc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ thông qua mạng lưới NHSM sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho toàn xã hội. Trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh so với trẻ dùng sữa công thức, từ đó khỏe mạnh hơn và giảm được nhiều chi phí điều trị khác trong tương lai.

Để đưa sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục chi trả của BHYT, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp chính sách. Theo ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, Vụ sẽ tham mưu xây dựng các hướng dẫn về sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, và đề nghị các NHSM phối hợp xây dựng giá của một đơn vị sữa mẹ hiến tặng, làm căn cứ để BHYTchi trả.

Bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT nhấn mạnh việc cần rà soát, chỉnh sửa các quy định liên quan để xây dựng một quy trình chuẩn về sử dụng, chỉ định và thanh toán sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

Trả lời câu hỏi về nguy cơ lạm dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, từ đó có thể tác động tiêu cực tới quỹ BHYT nếu được chi trả, đại diện của các NHSM cho biết, một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của NHSM là không nhằm thay thế sữa mẹ ruột. Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, và dựa trên một thứ tự ưu tiên nghiêm ngặt để điều trị cho các trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý hoặc mẹ có vấn đề sức khỏe chưa thể cho con bú.

Nhờ đó khi trẻ và mẹ hồi phục, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tiếp tục được củng cố và duy trì, do trẻ đã được tiếp cận với sữa mẹ từ trước mà không phải "tập ăn sữa mẹ từ đầu" như những trẻ phải dùng sữa công thức.

Hiện nay đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy định về sữa mẹ hiến tặng thanh trùng hoặc đã đưa sản phẩm vào trong danh mục chi trả của BHYT. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện đã có Myanmar, Singapore và Thái Lan áp dụng quy định này.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-thiet-chi-tra-cho-sua-me-hien-tang-thanh-trung-trong-he-thong-bhyt-16923081121021657.htm