Cần thiết bổ sung quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp bổ sung quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cần thiết, với mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh gắn với phòng thủ quốc gia.

Sáng 27/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội Hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận cho ý kiến về Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) phát biểu ý kiến. Ảnh: PT.

Ủng hộ dự thảo Luật bổ sung quy định Tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh: Tổ hợp công nghiệp quốc phòng có vị trí, vai trò quan trọng trong nền công nghiệp quốc phòng nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung. Mục tiêu hàng đầu xây dựng và phát triển Tổ hợp công nghiệp quốc phòng là nghiên cứu phát triển và chế tạo vũ khí, trang bị để trang bị cho quân đội và xuất khẩu; đồng thời, tham gia sản xuất các mặt hàng dân dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc dân.

Theo đại biểu, Tổ hợp công nghiệp quốc phòng liên quan đến tiềm lực, sức mạnh quốc phòng; đến sự an nguy và thịnh vượng của quốc gia. Các dây chuyền sản xuất có thể linh hoạt chuyển hóa để vừa phục vụ các nhu cầu kinh tế, vừa có khả năng đáp ứng nhanh các nhu cầu quốc phòng trong thời chiến. Vì vậy, khi được quy định vào luật, tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển sẽ tăng. Đây là nguồn gốc sản sinh ra công nghệ mới, có vai trò và vị trí then chốt, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong thời kỳ hậu công nghiệp.

Việc Dự thảo Luật bổ sung quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng là cần thiết, với mục tiêu là bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh gắn với phòng thủ quốc gia. “Nếu Dự thảo Luật được thông qua thì đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” - đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu, điều này là phù hợp nhằm thể chế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 (2021- 2030) và Nghị quyết số 08-NQ/TW về việc tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại, vừa sản xuất, vừa sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: PT.

Trong khi đó, qua nghiên cứu, rà soát hồ sơ dự án Luật, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng dự thảo Luật lược bỏ các Điều quy định cụ thể về trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan và đã đề xuất bổ sung quy định về Cơ chế chỉ đạo liên ngành về công nghiệp quốc phòng, an ninh là hợp lý.

Đại biểu cũng đồng tình với các lý do đã được trình bày trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật: Lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh là lĩnh vực đặc thù cần có sự tham gia liên ngành của nhiều Bộ, ngành; Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là trách nhiệm của các cấp, các ngành theo đúng chủ trương của Đảng; Bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế. Tuy nhiên, theo đại biểu cần làm nổi bật việc quy định như vậy còn là kết quả tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh của nước ta cũng như học tập kinh nghiệm thế giới.

Đại biểu phân tích, thực tế hiện nay, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng ban Thường trực, Bộ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng ban và một số Bộ trưởng là Ủy viên (theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 20/02/2017) để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển trên thế giới đều có cơ quan chuyên trách hoặc Ủy ban Nhà nước để chỉ đạo thống nhất việc đầu tư, nghiên cứu, điều phối sản xuất về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia,...

“Việc này cũng tương tự như việc Quốc hội cho phép tiếp tục duy trì tổ chức lưu vực sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và giao Chính phủ quy định chi tiết tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông” – đại biểu nêu. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và làm rõ hơn nữa tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo nhà nước, nhất là về chức năng, nhiệm vụ, thành phần tham gia, cơ quan đầu mối giúp việc, kinh phí để làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi và thiết thực.

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cũng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản cụ thể, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia và thành phần tham gia, cơ quan đầu mối giúp việc Ban Chỉ đạo, làm cơ sở để Chính phủ quy định cụ thể, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề lớn của đất nước, liên quan đến toàn dân, đại biểu kiến nghị bổ sung định kỳ 02 năm/ lần hoặc khi cần thiết, Chính phủ tổ chức sơ kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đồng thời báo cáo cho Quốc hội; cũng như UBND cấp tỉnh báo cáo cho HĐND cùng cấp./.

Tú Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/can-thiet-bo-sung-quy-dinh-ve-to-hop-cong-nghiep-quoc-phong-662008.html