Cẩn thận với ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm đang là một vấn nạn với không ít vụ việc khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy ngộ độc thực phẩm là gì và phòng tránh ra sao?

Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi là ngộ độc thức ăn là hiện tượng người bị trúng độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia...

Đặc biệt thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, và khi đó thức ăn đã biến thành chất độc.

Người bị ngộ độc thực phẩm thường 30 phút đến vài ngày sau khi ăn thức ăn bị ô nhiễm có các biểu hiện: Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. . .

4 nhóm nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm:

1. Ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn nhiễm vi sinh vật:

Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn: Đây là nguyên nhân phổ biến trong ngộ độc thực phẩm. Thường gặp do vi khuẩn gây bệnh thương hàn (Salmonella) vi khuẩn gây bệnh lỵ (Shigella), vi khuẩn gây ỉa chảy (E.Coli) hoặc nhiễm các độc tố của vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus aureus).

Cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm do vi rút như vi rút gây viêm gan A (Hepatis virut A), vi rút gây bệnh bại liệt (Polio Picornavirus), vi rút gây ỉa chảy (Rota virus); do kí sinh trùng: sán lá gan, sán bò, ấu trùng sán lợn, các loại đơn bào (Amip, trùng lông...), các loại giun và ấu trùng giun; do nấm mốc và nấm men: Aspergillus, Penicilium, Furanium Candida, Aflatoxin,…

2. Ngộ độc thực phẩm do ô nhiễm các chất hóa học:

Do ô nhiễm các kim loại nặng: Thường gặp do ăn các thức ăn đóng hộp hay ăn thực phẩm được nuôi trồng từ những vùng đất nước ô nhiễm kim loại nặng. Các kim loại thường gây ô nhiễm như chì, đồng, asen, thủy ngân, cadimi...

Cũng có thể ngộ độc do thuốc bảo vệ thực vật: thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ động vật ăn hại, thuốc diệt mối, mọt bởi ăn rau xanh, hoa quả,...có lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá cao. Ngoài ra còn có thể bị ngộ độc do thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng, các loại kháng sinh, các chất bảo quản, phẩm màu độc, chất phóng xạ,…

3. Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc:

Khi chúng ta ăn các thực phẩm có chứa sẵn các chất độc thì rất có thể bị ngộ độc. Hay gặp nhất là ăn phải các loại nhuyễn thể, cá nóc độc, ăn cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, sắn, một số loại đậu quả, lá ngón...

4. Ngộ độc do ăn phải thức ăn bị biến chất, ôi thiu.

Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường sinh ra các chất độc như amoniac, hợp chất amin sinh ra trong thức ăn nhiều đạm như thịt, cá, trứng, các peroxit có trong dầu mỡ để lâu hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần.

Một số cách phòng tránh

Cách hiệu quả hàng đầu để phòng tránh ngộ độc thực phẩm là nên chú ý chọn các thực phẩm tươi sống, tránh dùng thực phẩm ôi thiu, ươn... không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Nếu thực phẩm có mùi hôi, nên loại bỏ chúng.

Cần bảo quản kỹ lưỡng những thực phẩm chưa chế biến. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách: Các loại vi khuẩn gây hại tiềm ẩn trong thực phẩm sẽ phát tán rất nhanh nếu không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp.

Thực phẩm sau khi mua khoảng 2 giờ tại các cửa hàng hay siêu thị cần được bảo quản lạnh. Còn nếu mua ngoài chợ ở điều kiện nhiệt độ phòng, trong vòng 1 giờ thì các loại thịt nên được bảo quản trong tủ lạnh. Cá, hải sản có thể giữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn thịt bò, bê, cừu thì có thể 3 - 5 ngày.

Các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Chỉ ăn, uống thực phẩm đã chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu.

Rửa tay trước khi ăn, uống cũng là một biện pháp hữu hiệu phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Thường xuyên giữ sạch tay trong quá trình chế biến, rửa tay sau khi đi vệ sinh. Dụng cụ chế biến cần rửa lần đầu bằng xà phòng với nước ấm, rửa lại lần hai bằng nước ấm.

Khi đi ăn ở ngoài hàng quán cần chú ý không ăn ở những quán quá ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ. Khi vào quán nên quan sát khu bếp, khu chế biến và nơi bảo quản thực phẩm có đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nếu muốn thử một món lạ, nên hỏi rõ thành phần của món ăn, tránh những thứ có thể gây ngộ độc, chọn các món còn nóng.

Hãy yêu cầu đổi nếu bạn nhận thấy thức ăn cũ hay nguội. Không nên gọi món sống hoặc tái, các món rau trộn khi đi ăn ở bên ngoài. Dùng đồ uống của các nhà sản xuất có uy tín, nhớ xem kỹ hạn sử dụng trước khi dùng. Nên cảnh giác với các loại rượu ngâm, đồ uống tự chế, không đảm bảo vệ sinh và dễ gây hại cho sức khỏe.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/y-te/can-than-voi-ngo-doc-thuc-pham/147364.bld