Cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thế nhưng, đã hơn 4 tháng trôi qua, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận tỷ lệ đạt thấp, tiến độ giải ngân chậm. Cần có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng thời quyết liệt hơn trong đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, để đảm bảo giải ngân đúng theo kế hoạch đề ra.

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh (bao gồm năm 2023 chuyển sang) trên 4.628,6 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 4.540 tỷ đồng, còn lại 88,6 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Tính đến hết tháng 4, toàn tỉnh đã giải ngân đạt hơn 1.021 tỷ đồng, bằng 22,1% kế hoạch vốn (cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước với 16,18%), so cùng kỳ năm 2023 giải ngân 1.120 tỷ đồng, bằng 26,2% kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư kè chống sạt lở. (Ảnh minh họa).

Ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở KH&ÐT, cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm chậm. Trong đó, do Luật Ðấu thầu số 22/2023/QH15 của Quốc hội và quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật về lựa chọn nhà thầu mới ban hành, gây chậm trễ trong việc triển khai thủ tục theo quy định, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới. Cùng với đó, tình hình sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng ngọt cũng gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình”.

Ðược biết, trong số 20 chủ đầu tư năm 2024 có 11 chủ đầu tư giải ngân trên mức bình quân của tỉnh (22,1%) và 9 chủ đầu tư tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm, dưới mức bình quân của tỉnh, gồm: UBND huyện Ðầm Dơi (19,2%), UBND huyện Năm Căn (14%), Ban Quản lý dự án (QLDA) các dự án ODA&NGO (13,1%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (12%), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (8%), Sở Xây dựng (7,9%), Ban QLDA công trình xây dựng (7,9%), Vườn Quốc gia U Minh Hạ (6,7%).

Dự án Bệnh viện đa khoa Cà Mau 1200 giường bệnh do Ban QLDA công trình Xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư giải ngân tỷ lệ 8,3%.

Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết: "Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ðầm Dơi - Thanh Tùng giải ngân 3,6%. Ðặc thù địa bàn huyện chủ yếu nuôi trồng thủy sản nên cống xuyên lộ rất nhiều, tổng chiều dài tuyến này chỉ 13 km nhưng có tới 167 cống. Ðây cũng là thời điểm người dân thu hoạch tôm, chờ người dân thu hoạch xong sẽ tiến hành làm miệng cống, để triển khai thực hiện công trình, dự án theo tiến độ".

"Ngoài ra, tình trạng thiếu cát trong xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Huyện đã chủ động mời các đơn vị thi công khắc phục, cát cũng mới vừa tập kết về, dự kiến trong quý II sẽ đảm bảo kịp tiến độ giải ngân theo chỉ đạo chung của tỉnh", ông Hiền quyết tâm.

Ðối với huyện Năm Căn, tiến độ giải ngân cũng mới chỉ đạt 14%. Trong đó, do một số danh mục được bố trí kế hoạch vốn tương đối nhiều nhưng tiến độ giải ngân chậm, như: kế hoạch vốn giao cho huyện quản lý giải ngân chậm (9,8%); Dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới một số hạng mục công trình thuộc Khu làm việc HÐND, UBND huyện Năm Căn (13,8%); Trường Tiểu học 2 thị trấn Năm Căn (chưa giải ngân).

Ông Huỳnh Minh Kiên, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết: “Kết quả giải ngân của huyện không cao. Chủ yếu giải ngân của nguồn chuyển tiếp, dự án mới vẫn chưa giải ngân. Tháng tới sẽ khởi công một số dự án, tin rằng tỷ lệ giải ngân vốn sẽ cao hơn”.

Ðánh giá tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của nhiều dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu phải khẩn trương, tăng tốc đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, nhất là các dự án trọng điểm. Các khó khăn về vật liệu xây dựng một số địa phương đã có báo, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tham mưu làm việc các tỉnh hỗ trợ Cà Mau về vấn đề này. Cần có biện pháp làm sao đảm bảo thi công thật nhanh các dự án.

Ðồng thời, với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau tập trung thực hiện khẩn trương công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thường xuyên cập nhật, theo dõi, kịp thời, báo cáo UBND tỉnh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sát với tình hình thực tế. Ðặc biệt là Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021-2025; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội.

"Sở KH&ÐT theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân của các chủ đầu tư; trường hợp trong nhiều tháng liên tiếp có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh hoặc ít có sự chuyển biến trong giải ngân vốn đầu tư công, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản phê bình, kiểm điểm", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-a32461.html