Cần sự kết nối, đồng hành nhiều hơn với nông dân

Tận dụng, khai thác các tiềm năng sẵn có, du lịch nông nghiệp góp phần tích cực thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững. Tuy nhiên, đến nay, việc giúp nông dân nắm bắt cơ hội, bắt nhịp với cách làm kinh tế mới này vẫn là bài toán không dễ với nhiều địa phương.

Hấp dẫn du khách bằng sản phẩm, dịch vụ của các nông dân kỳ cựu

Nằm ở khu vực ven đô Hà Nội, cánh đồng hoa màu ở khu vực Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội rộn ràng hơn bởi sự xuất hiện của nhiều đoàn du khách. Con đường dẫn vào cánh đồng đổ bê tông, thoáng rộng. Xen kẽ các ruộng trồng rau màu thường thấy ở các vùng nông thôn là nhiều khu ruộng nhỏ được chủ nhân đầu tư trang trí, sắp xếp ngăn nắp, đẹp mắt, với cổng sắt sơn trắng, tấm biển gỗ nhỏ xinh ghi tên chủ vườn…

Cùng nhiều nông dân kỳ cựu ở Giang Biên tíu tít hướng dẫn đoàn học sinh và phụ huynh, giáo viên nhổ cỏ, trồng rau, hái quả, bà Nguyễn Thị Năm, chủ vườn Năm Yêu thương tự hào cho biết, từ nhiều đời nay, người dân Giang Biên đều trồng, cung cấp nông sản theo mùa. Vài năm trở lại đây, nhờ dự án cộng đồng "Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội-Du lịch nông nghiệp như một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập", nhiều nông hộ ở Giang Biên được các chuyên gia, thành viên của dự án tham gia các lớp tập huấn, tham quan các trang trại du lịch nông nghiệp, thiết kế, bố trí cảnh quan ruộng vườn để phục vụ du lịch. Từ cuối năm 2023, Giang Biên chính thức triển khai các tour du lịch nông nghiệp. Tham gia cung cấp dịch vụ cho du khách có 18 hộ dân. Các gia đình tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, chỉnh trang thêm cho sạch, đẹp để phục vụ du khách.

Chủ vườn Nguyễn Thị Hoài Nam cho biết, các chủ vườn kiêm “hướng dẫn viên” tại chỗ đều là những nông dân kỳ cựu. Trước đó, thông qua dự án trên, các nông dân được hỗ trợ cách “kể” các câu chuyện về quy trình làm nên từng sản phẩm, về công việc của nhà nông và ứng dụng công nghệ để tiếp thị sản phẩm. Nhờ đó, khách yên tâm mua nông sản hơn. Thay vì bán rong trên phố, các gia đình có nhiều đơn hàng hơn, phục vụ đến từng hộ gia đình ở các khu dân cư, chung cư trong phố. Từ hoạt động du lịch, nhiều nghề truyền thống ở địa phương đã mai một, trong đó có làm võng đay, nấu chè lam, bánh đúc… bắt đầu hồi sinh thông qua việc cung cấp hoạt động trải nghiệm cho du khách…

Mặc dù mới triển khai nhưng du lịch nông nghiệp ở Giang Biên nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều du khách, đặc biệt là các giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng, chỉ trong một chuyến đi ngắn, các con học được nhiều kiến thức rất thú vị, thiết thực, mà lâu nay, nếu chỉ dựa vào lý thuyết trên sách vở, sẽ rất khó thuyết phục con tìm hiểu… Chị Trương Thúy Hằng, phụ huynh của Phan Bảo Châu, học sinh lớp 7A9, trường Trung học Cơ sở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ, đây là hoạt động bổ ích giúp các con học mà chơi, chơi mà học. Chị thấy vui lây với con khi ngắm các con học mà chơi, chơi mà học, ríu rít xới đất trồng rau, hái những quả cà chua chín mọng ăn ngon lành ngay tại vườn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đại Dương, quản lý dự án "Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội-Du lịch nông nghiệp như một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập" cho biết, dự án được VietED triển khai nhiều năm qua với sự tài trợ từ Quỹ châu Á (TAF) và Quỹ GSRD (GSRD Foundation). Các hoạt động của dự án lấy đối tượng hưởng lợi là nông dân, hỗ trợ 100% và không có hoàn lại. Du lịch nông nghiệp là hoạt động tiếp nối của dự án tại Giang Biên.

Hiện tại, dự án đang hỗ trợ các nông hộ truyền thông, tìm kiếm khách hàng, vận hành, cung cấp dịch vụ cho du khách. Tại Giang Biên đã triển khai các tour "Một ngày làm nông dân", “Học kỳ nông nghiệp”, “Sống xanh, sống lành”. Khách tham quan tìm hiểu kiến thức cơ bản về các loại rau, hoa quả, thực hành trồng rau, chăm sóc cây trồng, thu hoạch nông sản, chế biến và thưởng thức nông sản... Ở giai đoạn ban đầu, các tour này chưa đặt cao vấn đề lợi nhuận.

Các nông dân kỳ cựu trở thành các “hướng dẫn viên” du lịch tại Giang Biên, Hà Nội.

Cần mở rộng cơ hội cho nông dân

Thực tế, thời gian gần đây, du lịch nông nghiệp đã được quan tâm phát triển ở nhiều địa phương. Tại Hà Nội, ngoài Giang Biên, du lịch nông nghiệp, nông thôn được triển khai ở huyện Ba Vì, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), làng cổ Đường Lâm, các làng nghề nổi tiếng như lược sừng Thụy Ứng… Tại Bắc Giang, du lịch miệt vườn gắn với các vựa cây ăn quả, nổi bật là các tour du lịch gắn với vải thiều Lục Ngạn mỗi dịp hè.

Tại Sơn La, con đường dẫn vào thung lũng mận Nà Ka (Mộc Châu) vốn khá rộng với dân bản địa trở nên chật hẹp, nhiều khi ùn tắc vì khách đổ về vào mỗi mùa mận chín. Từ chỗ làm dịch vụ nhỏ lẻ, tự phát, nhiều năm trở lại đây, các dịch vụ du lịch nông nghiệp nông thôn được chính quyền, người làm du lịch đầu tư bài bản hơn, với nhiều hoạt động đi kèm, trong đó có các ngày hội hái quả, hội thi nông sản, chế biến món ăn, hàng lưu niệm…

Trao đổi quanh du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam thì đây là khu vực vô cùng giàu tiềm năng. Qua nhiều đợt khảo sát cùng kinh nghiệm làm du lịch nhiều năm và làm giám khảo ở nhiều hội thi ở các địa phương, ông Thắng nhận thấy người nông dân chất phác nhưng cũng vô cùng sáng tạo.

Bên cạnh các sản phẩm làng nghề, sản vật, món ngon truyền thống, người nông dân đã sáng tạo thêm rất nhiều sản phẩm, có thể phục vụ du lịch. Nếu được khai thác tốt, hoạt động này không chỉ mang lại sinh kế tốt hơn mà còn kích thích người nông dân gắn bó hơn với ruộng vườn, trân trọng và yêu văn hóa của chính vùng quê mình hơn. Nhưng để du lịch nông nghiệp phát triển, người nông dân còn cần rất nhiều người bạn kiên trì đồng hành với họ. Chúng ta phải kết nối, huy động được trí tuệ, tâm sức từ nhiều phía để hỗ trợ nông dân hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, quảng bá, thu hút du khách…

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cũng cho rằng, cộng đồng dân cư là đối tượng trung tâm có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong các chương trình, dự án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn người dân còn bỡ ngỡ trong quá trình chuyển đổi làm dịch vụ du lịch trên chính quê hương mình. Để người dân có thể làm du lịch và triển khai các hoạt động du lịch thuận lợi, các cơ quan quản lý du lịch và các bên liên quan sẽ cần phải tích cực hỗ trợ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/can-su-ket-noi-dong-hanh-nhieu-hon-voi-nong-dan-i721111/