Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Có muôn vàn lý do để trẻ vị thành niên phạm tội, mỗi vụ việc là một hoàn cảnh, nguyên nhân, mức độ khác nhau. Song, điểm chung thường thấy đó là các em thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động, lôi kéo, bị ảnh hưởng xấu từ lối sống thực dụng, đua đòi, ăn chơi, lười lao động. Đây được xem là vấn đề đáng lo ngại trong xã hội và cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, quản lý con em.

Chặn đứng vi phạm từ sớm, từ xa

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội, trong tháng 2-2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ gây rối trật tự công cộng, so với cùng kỳ năm 2023 đã giảm 6 vụ và giảm 4 vụ so với tháng 1-2024. Trong 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn TP Hà Nội phát hiện 10 vụ thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023 nhưng lại tăng 3 vụ so với 2 tháng liền kề trước đó. Các đối tượng vi phạm vẫn chủ yếu chọn những quận nội thành như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, còn lại xảy ra ở các huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn…

Nhiều biện pháp tuyên truyền đã phát huy hiệu quả, ngăn chặn từ sớm, từ xa “mầm mống” tội phạm

Lực lượng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức điều tra, làm rõ cả 10 vụ với tổng số 168 đối tượng có liên quan, đạt tỷ lệ điều tra khám phá án 100%. Đến nay, bước đầu Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các quận, huyện, thị xã đã xử lý hình sự đối với 93 đối tượng, còn 75 đối tượng đang lập hồ sơ xử lý để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa, trấn áp. Độ tuổi gây án chủ yếu là thanh thiếu niên nam giới chiếm 99,4% và độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi chiếm trên 45%. Đáng lo ngại, số đối tượng vi phạm lại chủ yếu nằm ở thanh, thiếu niên chưa từng có tiền án, tiền sự. Có 57 đối tượng ở tỉnh ngoài tụ tập nhau lại điều khiển xe máy vào Hà Nội để gây án chiếm tỷ lệ 50% số đối tượng bị bắt giữ.

Là một trong những địa bàn của Hà Nội làm tốt và hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm thanh thiếu niên thời gian qua, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà - Phó trưởng CAQ Long Biên (Hà Nội) thẳng thắn chỉ rõ một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay là thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình. Do cha mẹ lo làm ăn, buôn bán, thường xuyên phải đi công tác xa, không quản lý chặt chẽ việc học tập, sinh hoạt của con nên có những trường hợp con đi chơi qua đêm, nghiện hút hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nhưng cha mẹ không hề hay biết. “Chỉ đến khi nhận được thông báo của cơ quan Công an thì gia đình mới hay con mình đã phạm tội.

Bên cạnh đó, một số thanh, thiếu niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như: cha mẹ ly hôn; cha mẹ đang chấp hành án phạt tù; cha hoặc mẹ không còn, các em phải sống với ông, bà, người thân hoặc sống lang thang... thường bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm; thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; thiếu quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng khi hành động. Từ đó họ thường dễ bị bạn bè lôi kéo tham gia vào những hành vi tiêu cực hoặc phạm tội” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà đánh giá.

Để giải quyết tận gốc tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, CAQ Long Biên đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp phòng ngừa hiệu quả, đem lại hiệu quả rõ rệt như: Phối hợp các nhà trường tuyên truyền pháp luật, gửi thông báo các trường hợp vi phạm đến gia đình và nhà trường để quản lý con em.

Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội CAQ rà soát, quản lý, ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, gia công vũ khí thô sơ, cơ khí, rà soát số thanh thiếu niên trong độ tuổi để vận động tuyên truyền. Đồng thời, phối hợp giao thông công chính lắp gờ giảm tốc, biển báo đối với những tuyến đường, tuần tra đêm để kịp thời ngăn chặn tình trạng tụ tập, lôi kéo đua xe của thanh thiếu niên... Với những giải pháp căn cơ, chặn đứng vi phạm từ sớm, từ xa của CAQ, tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn quận Long Biên đã giảm rõ rệt so với năm trước.

Nắm bắt tâm lý, giáo dục pháp luật, xử lý nghiêm để răn đe

Trong khi đó, tại địa bàn ngoại thành, CAH Thạch Thất cũng có nhiều những giải pháp quyết liệt để đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này. Ban chỉ đạo 138 huyện Thạch Thất đã ban hành nhiều kế hoạch tuyên truyền, các buổi tọa đàm, tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, khu dân cư với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, lên án hành vi tụ tập điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, mang theo hung khí đuổi đánh nhau trên đường phố… trọng tâm hướng đến các giáo viên, học sinh, sinh viên, người dân trên địa bàn.

Sau mỗi vụ án gây rối trật tự công cộng được điều tra, khám phá, các đơn vị trong CATP Hà Nội đều tiến hành thông báo hành vi vi phạm của các đối tượng đến gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương để có biện pháp phối hợp quản lý các đối tượng, phòng ngừa các đối tượng tiếp tục tái phạm. “Trong quá trình làm việc, chúng tôi luôn phải vừa nắm bắt tâm lý, vừa phải giáo dục nhận thức pháp luật nhưng cũng xử lý nghiêm để răn đe. Sau khi xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm của từng cháu, chúng tôi vẫn phải dõi theo các cháu cho đến khi rời khỏi cơ quan công an, phối hợp với gia đình, nhà trường để các cháu không tái phạm...” - chỉ huy CAH Thạch Thất chia sẻ.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng đáng buồn này trách nhiệm là của toàn xã hội, nhưng trước hết bắt đầu từ gia đình. Ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, hơn ai hết, cha mẹ không nên xem nhẹ việc giáo dục, quản lý con cái vì gia đình là điểm tựa vững chắc, là nơi cho con tình thương, dạy con những điều chuẩn mực, giúp con hình thành và phát triển nhân cách tốt, cách ứng xử với mỗi tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và biết tự điều chỉnh hành vi, lối sống của bản thân để các em có cuộc sống lành mạnh và trở thành những con người có ích cho xã hội.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-su-chung-tay-cua-ca-cong-dong-post570168.antd