Cần sớm triển khai thi công giai đoạn 3 hạng mục tràn xả lũ công trình Nam Thạch Hãn

Hạng mục tràn xả lũ công trình Nam Thạch Hãn được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 100,225 tỉ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 và 2 với kinh phí 57 tỉ đồng, đang thực hiện đầu tư giai đoạn 3 với kinh phí hơn 43 tỉ đồng.

Tràn xả lũ công trình Nam Thạch Hãn đang chuẩn bị thi công giai đoạn 3 - Ảnh: N.V

Công trình được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 vào năm 2018 với kinh phí 14,992 tỉ đồng để khoan phụt tạo màng chống thấm nền tràn, khoan phụt gia cố tiếp giáp và gia cố nền; gia cố, bảo vệ bề mặt bê tông chống xâm thực cho toàn bộ dốc nước; thi công tường răng, chân khay chống thấm qua vai và nền tràn; gia cố hố xói sân tiêu năng phía bờ Nam do Công ty Cổ phần Thành An thi công. Giai đoạn 2 năm 2019 với kinh phí 42,008 tỉ đồng để khoan phụt hoàn thiện ngưỡng tràn, khoan phụt và gia cố bê tông cốt thép sân tiêu năng đoạn 1 phía bờ Nam; thi công nối tiếp hạ lưu sân tiêu năng phía bờ Nam tràn do Công ty Xây dựng 384, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công giai đoạn 3 (năm 2020-2021) để khoan phụt và gia cố bê tông cốt thép sân tiêu năng đoạn 1 phía bờ Bắc; thi công nối tiếp hạ lưu sân tiêu năng phía bờ Bắc tràn; sửa chữa mái tràn; thi công hàng cừ Larsen IV, 3 hàng khoan phụt chống thấm dọc sân trước và băng chắn nước.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau khi hoàn thành giai đoạn 2 tràn xả lũ công trình Nam Thạch Hãn cơ bản chặn được dòng thấm qua vai và nền tràn, bù rỗng nền tràn khu vực cát cuội sỏi bị xói ngầm và cải thiện chế độ thủy lực phía bờ Nam tràn. Tuy nhiên, phần bê tông gia cố để chống xâm thực dốc nước, sân tiêu năng, mũi phun có xuất hiện các vết nứt bề mặt. Đối với tấm bê tông gia cố chống xâm thực dốc nước (giai đoạn 1), Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện 3 lần quan trắc vết nứt bề mặt bê tông dốc nước; kiểm tra chiều sâu vết nứt bê tông bằng cách khoan tại tim vết nứt ở 3 vị trí đại diện, chiều sâu khoan lấy nõn đến lớp bê tông dốc nước hiện trạng. Sau 3 lần quan trắc, các vết nứt không tăng về số lượng cũng như chiều dài và bề rộng vết nứt, chiều rộng vết nứt chỉ ở mức từ 0,3 mm - 0,8 mm, chiều sâu vết nứt giao động từ 10 cm đến 23 cm. Trên cơ sở kết quả quan trắc đánh giá vết nứt, Sở NN&PTNT đã có phương án xử lý sửa chữa và nhà thầu thi công hoàn thành xử lý các vết nứt, công trình đã được sở kiểm tra và bàn giao đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Dốc nước không phát sinh thêm vết nứt mới và các vết nứt đã được xử lý đảm bảo hạn chế nước thâm nhập vào bê tông.

Đối với bề mặt tấm bê tông gia cố chống xâm thực sân tiêu năng và mũi phun (giai đoạn 2), rút kinh nghiệm quá trình thi công các tấm bê tông gia cố dốc nước ở giai đoạn 1, Sở NN&PTNT chỉ đạo tổ giúp việc của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh, đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đơn vị thi công tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật thi công, đầm nện và dưỡng ẩm khi thi công bê tông gia cố sân tiêu năng. Tuy nhiên, sau 14 ngày kể từ ngày thi công hoàn thành gia cố sân tiêu năng bằng bê tông có phụ gia R7, các tấm bê tông gia cố bảo vệ bề mặt sân tiêu năng đoạn 1 phía bờ Nam xuất hiện tình trạng nứt bề mặt tương tự như các tấm bê tông gia cố bề mặt dốc nước (giai đoạn 1). Ngày 10/6/2020 bắt đầu xuất hiện các vết nứt đầu tiên ở tấm số 4, tiếp theo là tấm số 5, số 3, tấm số 1 và 2 có ít vết nứt. Đến nay, việc quan trắc vết nứt được thực hiện 2 chu kỳ vào các ngày 1/7/2020 và 1/8/2020; kết quả quan trắc nhận thấy vết nứt bề mặt vẫn tiếp tục xuất hiện 2 vết nứt tại tấm số 1, chiều rộng vết nứt từ dưới 0,8mm.

Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục quan trắc với chu kỳ 1 tháng 1 lần, sau khi các vết nứt không phát triển thêm về số lượng lẫn chiều rộng mới tiến hành xử lý vết nứt. Đồng thời, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và ý kiến của Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh tổ chức kiểm định chất lượng, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục các vết nứt bê tông tràn xả lũ Nam Thạch Hãn. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia tại cuộc họp ngày 14/1/2021 và yêu cầu chỉnh sửa của Sở NN&PTNT đến nay nội dung báo cáo kết quả kiểm định của Trung tâm Khoa học và Triển khai kỹ thuật thủy lợi đã hoàn thành. Ngày 13/7/2021, Sở NN&PTNT có văn bản gửi các Sở: Xây dựng; Giao thông vận tải; Khoa học và công nghệ và các đơn vị liên quan tham gia ý kiến về báo cáo kết quả kiểm định của Trung tâm Khoa học và Triển khai kỹ thuật thủy lợi.

Đối với vết nứt đỉnh cọc khoan nhồi chân mái phía bờ Nam (giai đoạn 2), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế để khảo sát xác định phạm vi nứt bê tông và lập phương án khắc phục trình Sở NN&PTNT có biện pháp xử lý.

Về tình hình đầu tư giai đoạn 3 đã được UBND tỉnh bố trí 43 tỉ đồng để thực hiện trong năm 2021, tổng giá trị giải ngân đến thời điểm này mới 0,246 tỉ đồng, đạt 0,6%. Dự kiến giải ngân thi công công trình đến ngày 30/9/2021 là 27 tỉ đồng, đạt 60% và đến ngày 30/11/2021 là 38,250 tỉ đồng, đạt 85%. Tuy nhiên, việc triển khai thi công giai đoạn 3 còn gặp một số khó khăn đòi hỏi chủ đầu tư là Sở NN&PTNT cần có phương án cụ thể để xử lý một số tồn tại trong quá trình thi công giai đoạn 2 là những vết nứt bê tông sân tiêu năng và phần đầu cọc tiếp giáp với đài cọc bị ảnh hưởng các trận lũ năm 2020.

Mới đây, sau khi đi kiểm tra tại công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục kể cả các giải pháp kỹ thuật để thi công giai đoạn 3 và sửa chữa phát sinh hư hỏng của giai đoạn trước trong tháng 9 năm 2021. Trong quá trình thi công nếu có phát sinh về mặt kỹ thuật cần thiết phải thuê chuyên gia tư vấn cách làm đảm bảo an toàn tốt nhất cho công trình. Trong quá trình hoàn thiện thủ tục nếu có vướng mắc thì báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, cương quyết không để thời gian thi công sau tháng 9 vì vào thời điểm này là mùa mưa lũ sẽ phá hủy các công trình đã làm cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng hạ lưu. Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với công trình này. Quá trình thực hiện thi công phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và chất lượng công trình sau này.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159693&title=can-som-trien-khai-thi-cong-giai-doan-3-hang-muc-tran-xa-lu-cong-trinh-nam-thach-han