Cần soát xét khi M&A

Trong vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng được xét xử gần đây, đáng tiếc, có một bước mà bị cáo chính và nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện một giao dịch M&A (mua bán cổ phiếu hoặc tài sản của doanh nghiệp khác) đã bỏ qua. Đó là thực hiện soát xét (due diligence) đối với công ty mà mình muốn mua.

Soát xét là gì?

Trong một thương vụ M&A điển hình, bên mua cần thực hiện việc soát xét đối với công ty mục tiêu (target company). Việc soát xét cũng giống như vẽ bức tranh tả thực về công ty mục tiêu. Hình hài của công ty sẽ hiện dần qua nét vẽ.

Trên thực tế, phạm vi soát xét bao gồm soát xét về mặt tài chính (financial due diligence) và soát xét về mặt pháp lý (legal due diligence). Soát xét về mặt tài chính bao gồm các công việc đánh giá nguồn thu, cơ cấu tài sản, công nợ, chế độ kế toán, nghĩa vụ thuế... Soát xét về mặt pháp lý đánh giá liệu công ty mục tiêu có được thành lập hợp lệ, có đủ giấy phép hoạt động cần thiết; tài sản tạo dựng có hợp pháp, tài sản sở hữu trí tuệ, các giao dịch trọng yếu có gì không hợp pháp hoặc bất lợi cho công ty mục tiêu; các tranh chấp, kiện tụng mà công ty đang tham gia; việc tuân thủ các quy định pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, môi trường, bảo hiểm... Trong các giao dịch quan trọng hoặc theo đặc thù của từng quốc gia, phạm vi soát xét còn có thể bao gồm soát xét trong lĩnh vực kinh doanh (business due diligence) hay thậm chí soát xét về hệ thống lương hưu (pensions due diligence) của công ty mục tiêu.

Lập báo cáo đánh giá soát xét

Thông thường, bên mua sẽ thuê hãng kiểm toán và hãng luật để thực hiện công việc soát xét. Trong một số trường hợp khác, như bán qua đấu thầu, bên bán có thể tự thực hiện việc lập báo cáo soát xét. Có gì cần làm rõ, hãng kiểm toán hay hãng luật của bên mua sẽ liên lạc với bên bán để lấy thông tin hay xác nhận.
Một giao dịch M&A thường bắt đầu từ việc các bên sẽ ký hợp đồng bảo mật (non-disclosure agreement hay NDA), theo đó bên bán đồng ý cung cấp thông tin để bên mua có thể thực hiện việc soát xét và bên mua có nghĩa vụ bảo mật những thông tin này. Thông tin được cung cấp dưới hai dạng: cấp bản sao hay qua một bên cung cấp dịch vụ trên mạng cho phép bên bán tải lên các tài liệu liên quan và bên mua tải xuống các tài liệu này (virtual data room hay VDR). Ngày nay, việc cung cấp qua VDR là phổ biến. Dựa trên các tài liệu mà bên mua cung cấp, kiểm toán viên và luật sư của bên mua sẽ tiến hành đánh giá soát xét công ty mục tiêu. Kết quả cuối cùng của việc đánh giá soát xét là các báo cáo đánh giá soát xét (due diligence reports) về mặt tài chính và pháp lý.

Lợi ích của việc đánh giá soát xét

Báo cáo soát xét giúp bên mua hiểu rõ tình trạng tài chính và pháp lý của bên bán. Trong nhiều trường hợp, bên bán vô tình hay hữu ý che giấu các thông tin về doanh nghiệp của mình và các thông tin này chỉ có thể có được sau quá trình soát xét. Kết quả soát xét vì vậy rất quan trọng. Nó giúp bên mua có thể ra các quyết định sau:

(a) Không mua công ty mục tiêu;

(b) Có mua nhưng với điều kiện các cổ đông của công ty mục tiêu phải khắc phục các tồn tại (như phải xin đủ giấy phép, tuân thủ quy định pháp luật, thanh toán nợ cho bên thứ ba...) trước khi bên mua thanh toán tiền; và/hoặc

(c) Có mua nhưng với giá giảm (vì những vấn đề của công ty mục tiêu).

Ngoài ra, kết quả soát xét cũng giúp luật sư bên mua soạn thảo các điều khoản về khẳng định (representations) và bảo đảm (warranties) tại hợp đồng mua bán, theo đó nhìn chung bên bán khẳng định và bảo đảm với bên mua rằng công ty mục tiêu được thành lập hợp lệ, việc bán tài sản là hợp pháp, tình hình tài chính là đúng như báo cáo tài chính, không nghĩa vụ nợ hoặc tranh chấp nào mà chưa được thông báo cho bên mua... Đi kèm với các khẳng định và bảo đảm là điều khoản về bồi hoàn (indemnity), theo đó nếu sau khi bên mua sở hữu tài sản mà phát hiện ra một khẳng định hay bảo đảm của bên bán là sai lệch, bên bán có nghĩa vụ bồi hoàn cho bên mua toàn bộ các tổn thất gây ra cho bên mua bởi khẳng định/bảo đảm sai của mình.

Trên thực tế, sau quá trình soát xét, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã từ chối mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hay nhà đầu tư nước ngoài đàm phán giảm giá mua vì báo cáo soát xét đã phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng. Trở lại vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng nói trên, nếu bị cáo chính thực hiện việc đánh giá soát xét với ngân hàng và thấy rằng ngân hàng có nhiều nợ và tài sản xấu như vậy, biết đâu ông ta đã quyết định không mua để không phải chịu trách nhiệm hình sự như hiện giờ?

Các công ty Việt Nam đang dần lớn mạnh. Các giao dịch M&A trong nước và tại nước ngoài sẽ ngày càng nhiều. Việc hiểu và áp dụng các bước trong giao dịch M&A, ví dụ như thực hiện soát xét, là điều cần thiết. Lợi ích thường lớn hơn nhiều so với chi phí.

(*) Công ty Luật Tilleke & Gibbins, trọng tài viên VIAC. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151347/can-soat-xet-khi-ma.html/