Cần quy định xử lý hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép trong giao dịch điện tử

ĐNO - Ngày 11-11, phát biểu thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ở hội trường tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, đại biểu Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung để luật bảo đảm chặt chẽ hơn.

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG

Đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, trước sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là cần thiết.

Theo đại biểu Cường, trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích và kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định vào Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm, đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc chung trong giao dịch điện tử được quy định tại Điều 4, dự thảo đã bỏ nguyên tắc “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng”.

Tuy nhiên, đây là nguyên tắc chung của pháp luật và cần được đề cao nên đề nghị giữ nguyên. Cũng tại Điều 4, dự thảo thêm nguyên tắc “Giao dịch điện tử phải được tối ưu hóa quy trình, thời gian xử lý ngắn hơn, chi phí thực hiện thấp hơn so với các phương thức giao dịch khác”, đề nghị chuyển nội dung này sang Điều 5 về chính sách phát triển giao dịch điện tử sẽ phù hợp hơn về nội hàm của quy định.

Về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử quy định tại Khoản 2, Điều 37, dự thảo luật quy định “Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trên môi trường điện tử phải tuân thủ các quy định của luật này và pháp luật về hợp đồng”.

Nội dung này đã có quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005 nhưng thực tế vẫn chưa được áp dụng đối với các loại hợp đồng yêu cầu phải có chứng thực.

Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin, có đặc thù riêng nên không thể tuân thủ các quy định pháp luật khác về hợp đồng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các quy định cụ thể về việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong dự thảo luật, trong đó bổ sung quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử đề phù hợp với các quy định hiện hành và làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động công chứng, chứng thực điện tử…

VŨ HƯNG-NGỌC PHÚ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202211/can-quy-dinh-xu-ly-hanh-vi-lam-lo-lot-thong-tin-ca-nhan-khi-chua-duoc-su-cho-phep-trong-giao-dich-dien-tu-3929517/