CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUY TRÌNH GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

Góp ý về Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nguyên Phó Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tổ chức, nhiệm vụ, quy trình giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề. Đồng thời quy định cụ thể về thời gian thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề của Quốc hội cần được thẩm tra.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến

Qua nghiên cứu dự thảo Tờ trình và Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận thấy, Tờ trình và Đề cương chi tiết luật đã được chuẩn bị rất công phu, đây là những văn bản quan trọng trong Hồ sơ đề nghị sửa đổi luật, đáp ứng với yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến tán thành với các nội dung nêu trong Tờ trình và Đề cương chi tiết Luật.

Tuy nhiên, góp ý về thẩm tra đề nghị văn bản có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội, tại khoản 8 Điều 1 của dự thảo Đề cương chi tiết Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định như sau:

“Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp thẩm tra đề nghị về văn bản có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách.”

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận thấy, việc quy định như dự thảo là chưa đầy đủ, vì ngoài những văn bản có dấu hiệu trái với luật, nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phụ trách, thì còn có những văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến các lĩnh vực do nhiều cơ quan của Quốc hội phụ trách hoặc các Nghị quyết liên tịch, Thông tư liên tịch.

Hơn nữa, Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã quy định việc phân công cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội không chỉ thẩm tra các dự án, báo cáo, văn bản theo các lĩnh vực phụ trách, mà còn theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Vì vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị bổ sung và sửa lại nội dung quy định nêu trên như sau:

“Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp thẩm tra đề nghị về văn bản có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.”

Quy định cụ thể hơn về tổ chức, nhiệm vụ, quy trình giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề

Về những nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (Điều 16, 27, 41 của Luật Hoạt động giám sát), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu rõ, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là một trong những hoạt động giám sát quan trọng. Để thực hiện nhiệm vụ giám sát này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề để tiến hành giám sát và báo cáo kết quả giám sát cho cơ quan đã thành lập xem xét quyết định. Qua thực tiễn hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong những năm qua cho thấy, kết quả đạt được chưa cao là do nhiều nguyên nhân, như: phạm vi giám sát rộng, có nhiều vấn đề phức tạp, báo cáo giám sát được gửi cho Đoàn giám sát chậm nên có ít thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến, nội dung báo cáo chủ yếu nêu thành tích, nêu ít hạn chế, bất cập, đặc biệt là thời gian các Đoàn giám sát đến làm việc tại cơ quan bị giám sát rất ngắn (khoảng nửa ngày đến 1 ngày)...

Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Vì vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể hơn về tổ chức, nhiệm vụ, quy trình giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề, như bố trí những người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung giám sát, có năng lực, trách nhiệm tham gia Đoàn giám sát chuyên đề; đặc biệt là quy định cụ thể về quy trình giám sát, dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tại cơ quan chịu sự giám sát (có thể dành nhiều ngày Đoàn khảo sát, giám sát tại các cơ quan, địa phương).

Liên quan đến vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, Cơ quan soạn thảo có thể tham khảo kinh nghiệm giám sát chuyên đề của một số Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong những năm gần đây. Ví dụ như trước khi Đoàn giám sát làm việc thì đã giao cho các Tổ công tác dành nhiều thời gian đến các cơ quan, địa phương chịu sự giám sát làm việc trước, trao đổi, làm rõ các kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong báo cáo giám sát, khảo sát thực tiễn; yêu cầu cơ quan, địa phương chịu sự giám sát giải trình, làm rõ những vấn đề quan tâm để báo cáo với Đoàn giám sát, sau đó Đoàn giám sát mới đến làm việc với cơ quan, địa phương chịu sự giám sát. Cách làm này đã mang lại kết quả tích cực trong hoạt động giám sát chuyên đề.

Quy định cụ thể thời gian thực hiện nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề của Quốc hội

Về xác định thời gian thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề của Quốc hội cần được thẩm tra, Khoản 15 Điều 1 của dự thảo Đề cương chi tiết Luật đã quy định điểm a khoản 6 Điều 16 b như sau: “Chậm nhất là ngày 15 tháng 7 của năm giữa nhiệm kỳ và năm cuối nhiệm kỳ, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát gửi báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đến Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để thẩm tra, tham gia thẩm tra. Báo cáo phải bám sát yêu cầu, đề cương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành;”

Liên quan đến vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận thấy, điểm a khoản 6 Điều 16 b nêu trên chưa quy định rõ là báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đã được thực hiện trong khoảng thời gian nào thì mới phải đưa vào báo cáo để thẩm tra kết quả việc thực hiện; đối với các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề mới được thông qua, chỉ được thực hiện trong thời gian rất ngắn có phải báo cáo kết quả thực hiện không?

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội

Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể: cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề trong thời gian từ ngày tháng nào đến ngày tháng nào và gửi cho cơ quan thẩm tra…

Đồng thời, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung khác của dự thảo Đề cương chi tiết luật có nội dung quy định tương tự như điểm a khoản 6 Điều 16 b nêu trên để bổ sung, quy định cụ thể về thời gian đã thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề làm báo cáo kết quả việc thực hiện và gửi cho cơ quan thẩm tra, cơ quan có thẩm quyền xem xét….

Về việc thẩm tra và tổng hợp nội dung thẩm tra báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề (khoản 7 Điều 16 b), dự thảo Đề cương chi tiết Luật quy định Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan thẩm tra báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp. Tổng thư ký Quốc hội xây dựng báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận thấy, quy trình thẩm tra và trình báo cáo thẩm tra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như nêu trong dự thảo Đề cương chi tiết Luật là chưa hợp lý, có thể mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, việc giao cho Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tạo thêm áp lực cho Tổng Thư ký Quốc hội cả về chuyên môn và thời gian.

Vì vậy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định theo hướng: Căn cứ vào nội dung báo cáo thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho một cơ quan của Quốc hội (Hội đồng Dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội) chủ trì thẩm tra, còn các cơ quan khác của Quốc hội có liên quan tham gia thẩm tra. Sau phiên họp thẩm tra, Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan tham gia thẩm tra hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85253