Cần quan tâm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử núi Đinh

Núi Đinh - nơi gắn với truyền thuyết về 7 danh tướng họ Lỗ (Thất vị Đại vương Lỗ Đinh Sơn) có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông được vua nhà Trần phong tước. Khi các vị hóa, nhân dân quanh vùng đã lập các di tích thờ cúng để tưởng nhớ công ơn. Phía chân núi Đinh ngày ấy cũng được người dân dựng miếu thờ cúng và còn lưu giữ đến bây giờ.

Khu vực sân ngôi miếu thờ Thất vị Đại vương Lỗ Đinh Sơn dưới chân núi Đinh cần quan tâm tôn tạo, mở rộng

Khu vực sân ngôi miếu thờ Thất vị Đại vương Lỗ Đinh Sơn dưới chân núi Đinh cần quan tâm tôn tạo, mở rộng

Khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi năm 1258, vua Trần Thái Tông đã mở yến tiệc ban công trạng, phong thưởng tướng sĩ và giao cho 7 anh em họ Lỗ giữ chức Đại Tiền Thị Nội. Sau đó, 7 danh tướng bái tạ và xin được trở về quê phụng dưỡng mẫu thân.

Về sau, khi Trần Thánh Tông lên ngôi vua đã ban cho bách quân về ngụ lộc tại các hương ấp, trang động. Lúc đó, 7 anh em họ Lỗ được cho về cai quản tại sách Bồ Lý, động Tam Dương và đất núi Đinh, tổng Miêu Duệ. Cũng tại đây, 7 anh em họ Lỗ đã đăng đàn làm lễ cáo bái trời đất, khao quân, thưởng tướng, ban lộc cho nhân dân quanh vùng. Cát cứ, hưởng lộc và sau cùng hóa, được an táng tại chân núi Đinh, nhân dân nơi đây và nhiều nơi khác luôn tưởng nhớ công đức của các vị nên đã lập đình, đền, miếu thờ các vị xung quanh núi Đinh.

Cụ Bùi Quang Quyền, xã Kim Long, huyện Tam Dương cho biết: “Xung quanh khu vực núi Đinh, người dân dựng lăng, miếu, đình, đền thờ Thất vị Đại vương Lỗ Đinh Sơn khá nhiều. Mỗi di tích là một minh chứng về những giá trị lịch sử cũng như ghi nhớ công trạng, ơn đức của nhân dân với các vị anh em họ Lỗ".

Riêng dưới chân núi Đinh (thuộc địa phận xã Kim Long, huyện Tam Dương) đã có khu thờ - miếu được nhân dân lập lên ngay sau khi 7 anh em họ Lỗ qua đời tại đây. Ngôi miếu được xây dựng khá lâu nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng, được người dân cùng góp công, góp của tu sửa, tôn tạo lại trên chính nền móng cũ. Tuy nhiên, diện tích còn khiêm tốn, phía trước còn chật hẹp, chưa có khu rộng rãi để tế lễ và thực hiện các nghi thức. Người dân địa phương mong muốn ngôi miếu cũng như toàn bộ khu vực núi Đinh được quan tâm, tu sửa khang trang hơn để trở thành một điểm di tích du lịch tâm linh.

Nằm ở vị trí chân núi, ngôi miếu trầm mặc phủ màu thời gian bên những cây cổ thụ đã “tắm nắng mưa” bao đời rủ bóng xuống mái rêu phong. Phía bên là những vườn cây xanh, trà hoa vàng, cây ăn quả, dược liệu quý được người dân quanh vùng trồng tạo thành một quần thể xanh mát mắt, tràn đầy sức sống. Ngôi miếu là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân nơi đây. Hằng năm, cứ đến ngày 15 tháng 2 âm lịch, người dân lại tổ chức lễ bái, tiệc làng tưởng nhớ đến Thất vị Đại vương.

Vị trí ngôi miếu cũng như kiến trúc cổ xưa khá độc đáo bởi sự tối giản mà linh thiêng. Vì sự tri ân, mến mộ tài đức của 7 anh em họ Lỗ, người dân đã cùng nhau dựng lên di tích tâm linh này. Từ phía ngôi miếu có thể quan sát toàn cảnh núi Đinh hùng vĩ, linh thiêng ngút ngàn màu xanh của rừng cây như thấy linh khí ngày Thất vị Đại vương đã đăng đàn làm lễ cáo bái trời đất, khao quân, thưởng tướng, ban lộc cho nhân dân quanh vùng.

Trên địa bàn tỉnh có 13 di tích đình, đền, miếu thờ Thất vị Đại vương Lỗ Đinh Sơn nằm trải dài từ thành phố Vĩnh Yên tới các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, trong đó nhiều di tích đã xuống cấp, nếu được quan tâm, đầu tư xây dựng và hình thành tour du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, những di tích này sẽ tạo thành điểm nhấn cho du lịch Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, khu di tích lịch sử núi Đinh nếu được xây dựng, tu bổ trở thành khu du lịch tâm linh sẽ kết nối, đánh thức các điểm di tích cùng thờ 7 anh em họ Lỗ. Nơi đây không chỉ là "địa chỉ đỏ" giáo dục thế hệ trẻ thêm hiểu về lịch sử cha ông để lại mà còn “kể” cho du khách nghe những câu chuyện huyền thoại về các vị tướng có công với đất nước, là niềm tự hào trong dòng chảy lịch sử Vĩnh Phúc.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76093/can-quan-tam-bao-ton-ton-tao-di-tich-lich-su-nui-dinh.html