Cần phân cấp mạnh, rõ trách nhiệm

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng được thực hiện như thế nào để Hà Nội phát triển xứng tầm và bền vững luôn là vấn đề quan trọng.

Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị kiểm tra một công trình xây dựng trên địa bàn. Ảnh Thanh Hà

Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị kiểm tra một công trình xây dựng trên địa bàn. Ảnh Thanh Hà

Do đó, việc UBND TP vừa ban hành kế hoạch nhằm khắc phục dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng được cho là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hệ lụy từ quản lý lỏng lẻo

Những hình ảnh gây xôn xao dư luận xã hội những ngày vừa qua là cảnh hàng trăm phụ huynh ở Hà Nội phải xếp hàng xuyên đêm trước các cổng trường để mong giành suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Trước hiện tượng này, nhiều người cho rằng nguyên nhân sâu xa là do quy hoạch đô thị khi chỉ chăm chăm quy hoạch xây dựng chung cư, không quan tâm đến quy hoạch trường học, bệnh viện.

Trao đổi về vấn đề này, bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, theo quy hoạch, Hà Nội không thiếu trường học. Bởi lẽ, khi quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị đều đã tính toán đầy đủ chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó có trường học. Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra tình trạng “gánh” dự án. Có nghĩa, khi xây dựng các khu đô thị (KĐT), nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà để bán, còn trường học thì chậm triển khai khiến cho các trường cũ phải “gánh” trường học của dự án.

Từ câu chuyện thiếu trường lớp ở khu vực trung tâm TP Hà Nội cho thấy, công tác quản lý quy hoạch của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt trong xử lý trách nhiệm của nhà đầu tư, thúc đẩy xây dựng mạng lưới các trường học theo đúng quy hoạch được duyệt. Minh chứng rõ nhất là tại quận Hoàng Mai, một quận có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với nhiều dự án khu đô thị, nhà chung cư được xây dựng, dân số tăng mạnh trong những năm gần đây. Thế nhưng, nhiều khu đất công cộng, trường học có trong quy hoạch các dự án KĐT mới lại bị bỏ hoang tới 20 năm song không có giải pháp xử lý kịp thời.

Câu chuyện buông lỏng quản lý việc thực hiện quy hoạch dẫn đến hệ lụy trong phát triển đô thị không chỉ dừng lại khi các công trình hạ tầng xã hội không được hoàn thiện đi đôi với nhà ở mà còn gây ra tình trạng mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhiều KĐT mới được quy hoạch, xây dựng khang trang, bài bản nhưng ngay sau khi hoàn thành, nhiều ngôi nhà biệt thự đã bị thay đổi thiết kế như cơi nới thêm tầng, lắp dựng “chuồng cọp”, tăng mật độ xây dựng, tự thay đổi kiến trúc công trình trái với hồ sơ thiết kế được phê duyệt dẫn đến tình trạng phá vỡ kiến trúc đồng bộ của đô thị.

Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nay, được dư luận, báo chí phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Điển hình tại các KĐT: Đô Nghĩa, Xa La, Văn Quán (quận Hà Đông); Viglacera Xuân Phương, Foresa Villa (quận Nam Từ Liêm), Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm), Ao Sào, Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai)…

Theo Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, mỗi KĐT đều có kiến trúc riêng, nếu phá vỡ thiết kế đã quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ diện mạo của KĐT nói riêng và phá vỡ quy hoạch chung. Để các vi phạm này xảy ra tại các KĐT là do có tình trạng thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sở hữu để cơi nới, phá vỡ quy hoạch. Đây là lỗi của chủ đầu tư và cũng là tồn tại trong quản lý cấp phép đầu tư xây dựng của chính quyền địa phương. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, cần phải xác định phân công, phân cấp quản lý giám sát, gắn trách nhiệm rõ ràng đến các lực lượng, các bên, có chế tài phạt nặng hơn mới hạn chế được tình hình. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua trách nhiệm của lực lượng thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương trong việc buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng cơi nới, sửa chữa nhà biệt thự diễn ra trên địa bàn.

Phân cấp mạnh hơn trong xử lý vi phạm

Có thể khẳng định, trong hơn 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung cho việc triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đạt được nhiều kết quả đáng kể. Hàng loạt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật… được thực hiện. Nhờ đó, diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại…

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực gia tăng dân số, công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội vẫn còn những vấn đề tồn tại, bất cập cần khắc phục. Những hạn chế đã được chính quyền TP thẳng thắn nhìn nhận đó là tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch và vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân được UBND TP chỉ ra là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp còn chưa kịp thời, sâu sát, thiếu sự quyết liệt; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao; các quy định quản lý chưa được đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành TP với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý các sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc thiếu quyết liệt. Ngoài ra còn bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thực thi công vụ của cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng.

Với quyết tâm khắc phục dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, ngày 4/7/2023 UBND TP đã ban hành kế hoạch, đưa ra hàng loạt biện pháp; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cùng vào cuộc. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP; kịp thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.

Đặc biệt, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi công vụ, các cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng nghiêm trọng, khó khắc phục hậu quả.

Quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng là công việc rất phức tạp với nhiều nội dung. Trong đó, việc giám sát thực hiện theo quy hoạch sau khi dự án được phê duyệt là nội dung rất quan trọng. Hiện nay đầu mối thực hiện nội dung này là Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự xây dựng trực thuộc các quận, huyện mà TP đang thực hiện thí điểm. Chính vì mô hình đang thực hiện thí điểm nên TP cần chú trọng hơn nữa đến phân cấp, ủy quyền, nhất là xác định rõ trách nhiệm đối với lực lượng này trong công tác xử lý vi phạm. Có như vậy mới hy vọng mang lại đột phá mới, mang lại hiệu quả chứ không chậm trễ trong thực hiện xử lý vi phạm như hiện nay.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Vũ Cúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-phan-cap-manh-ro-trach-nhiem.html