Cân nhắc việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước

Không chỉ đại biểu Quốc hội mà người dân cũng băn khoăn về việc đổi tên 'thẻ CCCD' thành 'thẻ căn cước' và đề nghị nghiên cứu thật kỹ trước khi thực hiện.

Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Căn cước. Tại nghị trường, một số đại biểu Quốc hội tán thành việc đổi tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước vì việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Đồng thời, việc đổi tên luật và tên thẻ CCCD còn được bổ sung thêm nhiều quy định và một số tiện ích khác như: mở rộng đối tượng áp dụng, cấp thẻ căn cước cho trẻ em, căn cước điện tử, giảm phức tạp trong thủ tục hành chính, đảm bảo tính riêng tư, hỗ trợ chuyển đổi số…

Tuy nhiên, trước sự “sắp thay đổi” này, đa số bạn đọc bày tỏ quan điểm rằng luật có thể sửa đổi để phù hợp với thời điểm hiện tại, tiện ích của CCCD có thể được nâng cấp, bổ sung để thuận tiện cho người dân và trong công tác quản lý. Thế nhưng, với việc nếu phải đổi lại thẻ CCCD sẽ khiến người dân quan ngại vì mất nhiều thời gian, gây phiền hà và ảnh hưởng đến đời sống.

Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành việc đổi tên thẻ CCCD sang thẻ căn cước nhưng cũng có nhiều đại biểu băn khoăn. Ảnh: HUỲNH THƠ

Dưới đây là một số ý kiến bạn đọc:

Có nhất thiết phải đổi CCCD?

Một số bạn đọc cho rằng việc đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước mặc dù sẽ mang đến nhiều lợi ích nhưng quá trình để đổi được sang thẻ căn cước chắc chắn sẽ tốn thời gian, công sức, tiền bạc của người dân cũng như của ngân sách, giống như quá trình đổi từ CMND, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip đã diễn ra hai năm trước.

“Thông tin từ Bộ Công an, khi dự thảo luật này thông qua thì quyền lợi của người dân sẽ không bị ảnh hưởng, những thẻ CCCD đã cấp trước đó tiếp tục có giá trị sử dụng đến thời hạn ghi trên thẻ, sau đó mới đổi sang thẻ căn cước. Và mọi giấy tờ liên quan như CCCD mã vạch, CCCD gắn chip hay CMND đều có giá trị pháp lý như nhau. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, việc quyền lợi người dân không bị ảnh hưởng khi tồn tại cùng lúc nhiều loại giấy tờ như trên chỉ là lý thuyết. Tôi vừa đi mua BHYT tự nguyện và được yêu cầu bắt buộc phải cung cấp bản sao CCCD, không bán cho người sử dụng CMND. Điều này đồng nghĩa với việc người dân bắt buộc phải đổi theo các loại giấy tờ mới được ban hành” - bạn đọc Trần Lộc.

"Loay hoay mãi với cái thẻ CCCD, đợt dịch bệnh COVID-19 khó khăn như vậy cũng phải đi làm thẻ CCCD, chưa kịp êm đã phải đổi qua CCCD gắn chip. Sau đó lên định danh mức 1, mức 2, tích hợp cả CCCD gắn chip vào đó rồi giờ lại đổi lại thành thẻ căn cước. Không biết tiện ích thế nào nhưng trước mắt là mất thời gian của người dân, vì ai cũng phải đi làm trong khi để làm được một cái CCCD gắn chip phải chờ từ sáng sớm đến tối muộn, chưa kể thời gian đợi nhận thẻ mất vài tháng. Bây giờ đổi cái thẻ căn cước này thì lại phải mất bao lâu?” - bạn đọc Huỳnh Thị Thảo.

“Bốn năm phải đi làm thẻ 3 lần. Lần 1 tôi làm lúc 37 tuổi đến 40 tuổi hết hạn, 40 tuổi tôi đi làm lại thẻ thì hạn đến tuổi 60 (lần 2). Nhưng chưa được một năm lại thấy thông báo bắt buộc làm CCCD gắn chip nên tôi phải đi làm lại thẻ căn cước gắn chip (lần 3). Nếu bây giờ đổi thì là 4 lần, hóa ra tôi phải mất đến tận 4 lần chỉ để đổi một cái thẻ chứng minh mình là công dân Việt Nam” - bạn đọc Thanh Ngân.

“Từ khi có CCCD gắn chip có thể nói rất tiện trong một số thủ tục hành chính, nhất là trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên vấn đề là để có được tiện ích đó người dân đã phải đánh đổi cả một quá trình để làm được thẻ CCCD gắn chip. Nếu hiện giờ các cấp chính quyền có thể cho thấy tiện ích vượt bậc hơn mang lại cho người trong việc đổi căn cước thì điều đó người dân hoàn toàn có thể ngẫm lại, nhưng nếu tiện ích đó không nổi trội mà cũng chẳng mang nhiều giá trị thì không nên tốn thời gian, tiền bạc, công sức của người dân để làm gì” - bạn đọc Tú Nguyên.

Cân nhắc thật kỹ...

Một số bạn đọc khác lại cho rằng nếu việc đổi CCCD sang căn cước là thật sự cần thiết thì nên cân nhắc thật kỹ ý kiến của chuyên gia và cả người dân. Từ đó làm cơ sở để điều chỉnh một lần sao cho hợp lý để không chỉ vì “một cái thẻ” mà gây phiền hà trong một thời gian dài.

“Thời đại hòa nhập toàn cầu, thiết nghĩ, những loại giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, CCCD cần chuẩn hóa theo phần đông các quốc gia trên thế giới đã làm. Một số quốc gia theo tôi được biết họ dùng thẻ căn cước tích hợp luôn với bằng lái xe, trên đó chỉ cần có thông tin về tên họ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà và mỗi lần cấp thẻ có thời hạn 10 năm mới phải làm lại, ngoại trừ thay đổi chỗ ở, nơi cư trú. Khi thay đổi có thể làm online, chỉ cần cập nhật thông tin, cung cấp hình ảnh mới nhất, rất tiện lợi” - bạn đọc Vi Nguyen.

“Quan trọng là luật áp dụng ít nhất 5 hay 10 năm rồi đổi chứ năm nào cũng đổi thì hơi rối cho người dân. Chúng ta nên tìm ra một giải pháp có thể thực hiện lâu dài, nếu như ba năm sau giả sử công nghệ chip lỗi thời, cần thay đổi lần nữa thì chúng ta lại phải tiếp tục thay đổi hay sao. Vì vậy cần phải suy nghĩ kỹ để tìm ra phương án lâu dài, đó mới là điều quan trọng” - bạn đọc Trần Ngọc Phương Anh.

“Nghiên cứu cho kỹ rồi làm 1 lần, chứ mỗi năm lại thay đổi 1 lần sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh và chi phí, nguồn lực của quốc gia. Thực tế CCCD hay thẻ căn cước chỉ là hình thức, bản chất nội dung không thay đổi. Vấn đề quan trọng là thủ tục hành chính đơn giản mới cần thiết nhất cho người dân” - bạn đọc Lê Văn Tú.

“Thực ra có làm mới thấy được cái chưa hợp lý. Nếu không hợp lý thì nên sửa đổi nhưng cũng cần khảo sát kỹ, tham vấn kỹ càng trước khi thi hành luật. Vấn đề tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và người dân cũng rất quan trọng. Và khi muốn đổi thế nào cũng được, chỉ cần đừng bắt người dân phải chờ đợi”- bạn đọc Ngọc Hóa.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên đổi Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước ? 1. Nên 2. Không nên 3. Ý kiến khác

Gửi Xem kết quả

VĂN THUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-nhac-viec-doi-ten-the-cccd-thanh-the-can-cuoc-post758376.html