Cân nhắc, thận trọng khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa

Đóng góp tại phiên thảo luận vào chiều 10/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đối với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thống nhất cao việc ban hành chính sách này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ chính trị đối với địa phương này.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: Xét về ý nghĩa chiến lược về kinh tế quốc phòng, an ninh, có thể khẳng định Khánh Hòa có một vị trí đặc biệt của nước ta nói riêng và mối quan hệ của khu vực và quốc tế nói chung. Là tỉnh tự cân đối được nguồn ngân sách, có điều tiết về trung ương. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương của tỉnh là vùng đồng bào dân tộc miền núi, hải đảo còn rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội. Đặc biệt là mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng cấp tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc trung ương. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cao hơn thì mới đáp ứng được và mục tiêu phát triển của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn tới.

 Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông đóng góp ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông đóng góp ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tỉnh Khánh Hòa

Để góp phần hoàn thiện chính sách, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, về chuyển mục đích sử dụng đất, trồng lúa dưới 500 ha, chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1000 ha tại khoản 2, điều 5, dự thảo Nghị quyết, đây là vấn đề đã được đại biểu đề cập, góp ý về việc ban hành cơ chế, chính sách cho các tỉnh, thành phố trước đây. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, thì vấn đề an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu là cần được quan tâm, không chỉ thực hiện trong hiện tại mà còn phải trong dài hạn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc thận trọng khi chuyển mục đích sử dụng. Các loại đất này phải giới hạn trong tầm kiểm soát và phải nằm trong tổng thể quy hoạch đất quốc gia.

Vấn đề này cũng cần lưu ý đối với các chủ trương tiếp theo thực hiện cho các vùng, các địa phương khác trong thời gian sắp tới khi có cơ chế đặc thù tương tự.

Về thực hiện chuẩn bị thu hồi đất, tại khu kinh tế Vân Phong, theo dự thảo Nghị quyết, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị: Việc áp dụng một chính sách như nhau với hai địa bàn cách xa nhau về điều kiện tự nhiên, dân cư và các yếu tố kinh tế xã hội khác cần phải nghiên cứu ban hành một chính sách riêng cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi.

 Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 10/6

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 10/6

Tại khoản 1, điều 8, dự thảo Nghị quyết, việc nuôi trồng thủy sản có thải ra môi trường nhiều loại chất thải khác nhau từ thức ăn thừa, chất thải của thủy sản, các loại thuốc có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường khu vực nuôi. Trong khi đó, Khánh Hòa là tỉnh có du lịch phát triển, các nền kinh tế vùng ven biển. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần đánh giá tác động có thể xảy ra, quy định chặt chẽ điều kiện cấp phép hoạt động nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ môi trường biển.

Về thành lập quỹ phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa, tại khoản 2, điều 8 của dự thảo Nghị quyết, Đại biểu đồng ý với việc thành lập quỹ vì mục tiêu cuối cùng là giúp ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, đây là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập nên cần xem xét với nội hàm rộng hơn nhằm thu hút, tổng hợp các nguồn lực, phát huy vai trò, vị trí mà không bó hẹp trong phạm vi tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, hiện nay rất nhiều ngư dân các tỉnh đang ngày đêm vươn khơi bám biển cùng với ngư dân tỉnh Khánh Hòa. Do đó, đề nghị Chính phủ cần hướng dẫn chi tiết, cân nhắc đến phạm vi, đối tượng hỗ trợ của quỹ để đảm bảo tính công bằng cho mọi ngư dân vì mục tiêu cuối cùng là bảo đảm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đức Diệu

2,679

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/can-nhac-than-trong-khi-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-trong-lua-93497.html