Cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu tại dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Theo ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, phương pháp lấy 3 báo giá không bảo đảm giá hàng hóa là giá thị trường trong một khoảng thời gian, không gian nhất định. Vì vậy, bà Hà đề nghị, cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu.

Phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Nhị Hà – Đoàn TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, về giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2, Điều 39. Hiện nay việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính và đang tồn tại nhiều bất cập.

Một trong những phương thức xác định giá gói thầu là phương thức sử dụng 3 báo giá, phương thức này đang mâu thuẫn với quy định tại Điều 22 dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02, số 08.

Phân tích thêm, bà Nhị Hà cho rằng, phương pháp lấy 3 báo giá nhiều đơn vị sử dụng không bảo đảm giá hàng hóa là giá thị trường trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, không phải là giá giao dịch thành công, hợp pháp, công khai và cạnh tranh nên không thể sử dụng làm căn cứ xác định giá gói thầu… Chính vì vậy, bà Hà đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo luật.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, Điểm c khoản 1 Điều 23 quy định "việc chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân". Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, quy định này rất cần thiết trong thực tế, tuy nhiên có một số thuật ngữ nội dung quy định chưa rõ về nội hàm, khái niệm thế nào là "gói thầu cần triển khai ngay", có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu. Cụm từ "cần triển khai ngay" được quy định tại Luật Đấu thầu từ năm 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.

Về chỉ định thầu rút gọn, dự thảo luật lần này quy định các gói thầu được chỉ định thầu rút gọn theo hạn mức gói thầu. Đại biểu đề nghị có điều riêng trong dự thảo quy định về chỉ định thầu rút gọn, trong đó mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế, Điều 55 là điều khoản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành y tế, tuy nhiên về tổng thể những nội dung quy định tại Điều 55 tương đối phức tạp và khó áp dụng trong thực tế. Bà Nhị Hà còn cho biết, đối với điểm a khoản 1 Điều 55, có thể hiểu đây là hình thức lựa chọn nhà thầu với trường hợp máy mượn, máy đặt, mặc dù vậy nội dung diễn đạt trong quy định chưa đầy đủ, bởi trên thực tế đối với trường hợp này, bên cạnh yêu cầu của chủ đầu tư còn có chính sách của nhà cung cấp.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Về việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả và mua vaccine dịch vụ, khoản 2 Điều 55 bà Hà phân tích, tại các dự thảo trước nội dung quy định cho phép cơ sở y tế ban hành quy chế để lựa chọn nhà cung cấp vaccine tiêm chủng dịch vụ hoặc các loại thuốc không có trong danh mục được bảo hiểm chi trả và không nhất thiết phải tuân thủ theo quy định tại Luật Đấu thầu.

"Thực tế, đối với vaccine dịch vụ và các loại thuốc bán tại các nhà thuốc bệnh viện cung ứng theo nhu cầu của người dân với từng loại cụ thể nên không thể lập dự toán mua sắm mà phải mua sắm theo thực tế sử dụng. Trong Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, UBTVQH cũng nêu đã tiếp thu các góp ý nhưng nội dung quy định lại không phù hợp. Theo quy định tại dự thảo, chỉ cho phép các cơ sở y tế tự quyết định các hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định tại Luật Đấu thầu thì không thể giải quyết được thực tiễn vướng mắc trên", ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Từ phân tích trên, bà Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 thay cụm từ "thuốc trong danh mục thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế" thành "thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh".

Cuối cùng, bà Nhị Hà góp ý, sửa khái niệm về hàng hóa quy định tại khoản 17 Điều 4 của dự thảo, bỏ cụm từ "dùng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" vì hiện nay thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế được dùng cho nhiều cơ sở khác nhau như cơ sở y tế dự phòng, các chi cục, chứ không chỉ riêng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tham gia giải trình ý kiến các ĐBQH quan tâm liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo luật đã có một chương riêng. Bên cạnh đó cũng có nhiều điều khoản để quy định các vấn đề liên quan đến y tế và theo hướng là tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp.

Các nội dung và quy định về đấu thầu và trong các lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đến nay cơ bản đã được giải quyết các bất cập và nhất là được sự thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, các chuyên gia, các bệnh viện.

Trước ý kiến của một số ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ nghiên cứu tiếp để hoàn thiện đầy đủ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-nhac-quy-dinh-nguyen-tac-xac-dinh-gia-goi-thau-tai-du-an-luat-dau-thau-sua-doi-169230524142407982.htm