Cân nhắc khống chế mức chi mua bảo hiểm

Thay vì siết lại mức chi tiền mua bảo hiểm, Bộ Tài chính nên cởi mở cơ chế tài chính này để các DN mạnh dạn hơn khi đưa ra các phương án chăm lo phúc lợi cho người lao động.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định số 12/2015 và số 100/2016. Trong đó, sẽ khống chế mức mua bảo hiểm nhân thọ vào chi phí được trừ của DN khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Mức khống chế mới được Bộ Tài chính quy định là không được quá 3 triệu đồng/người/tháng.Quy định này lập tức bị các DN phản đối vì sẽ làm cho số tiền phải đóng thuế của DN tăng lên rất mạnh.

Xu hướng mua thêm bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ đang được các DN tham gia khá tích cực

“Kiêng canh nóng thổi cả rau nguội”

Theo lập luận của Bộ Tài chính, sở dĩ phải khống chế mức tiền chi mua bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) là vì hiện nay một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã chi mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ với giá trị cao so với mức tiền lương, thu nhập của cán bộ, công nhân viên. Sau đó hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nhằm giảm lợi nhuận trước thuế và tránh các khoản nộp ngân sách.

Tuy nhiên, lập luận trên của Bộ Tài chính có phần khiên cưỡng. Bởi theo các quy định mới trong dự thảo, Bộ Tài chính không những chỉ khống chế mức chi mua bảo hiểm nhân thọ mà mức “3 triệu đồng/người/tháng” còn là mức bao gồm luôn cả số tiền chi để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện và mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho NLĐ. Do vậy, nếu dự thảo nghị định này được thông qua thì số tiền các DN được phép chi để mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ sẽ ở mức rất thấp. Để được loại trừ khi tính thuế TNDN các DN bắt buộc sẽ phải tính toán lại các chi phí để đảm bảo tổng số chi không vượt trần 3 triệu đồng/người/tháng. Mức trần thấp như vậy sẽ không kích thích được các DN gia tăng phúc lợi cho NLĐ và bị “bó chân bó tay” trong các phương án giữ chân người tài.

Bình luận về vấn đề này, đại diện Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cách làm của Bộ Tài chính là chưa hợp lý. Theo VCCI, việc một số DNNN chi mua bảo hiểm ở mức quá cao cho NLĐ thực tế xuất phát từ các kẽ hở về quản lý tiền lương, thù lao và các khoản thu nhập khác của NLĐ tại khối DNNN, chứ bản chất không phải là vấn đề thuế. Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ tự nguyện (ngoài bảo hiểm xã hội mà DN nào cũng bắt buộc phải mua theo luật) là một trong những chính sách đãi ngộ của các DN đối với NLĐ. Khoản chi này là hoàn toàn chính đáng, thậm chí nên được khuyến khích nhân rộng thay vì hạn chế.

Theo ghi nhận của VCCI, khi các DN ngoài quốc doanh đưa ra chính sách mua bảo hiểm nhân thọ, trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện và mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho NLĐ mặc dù họ có thể tiết kiệm 20% thuế TNDN, nhưng bù lại họ sẽ phải chi ra 80% số tiền bảo hiểm cho NLĐ. Do đó, các DN chắc chắn sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng khi chi tiền mua bảo hiểm cho NLĐ chứ không thể vung tay quá trán được.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định khống chế chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ. Vấn đề này theo VCCI nên giải quyết bằng pháp luật về quản lý DNNN. Trong trường hợp, cơ quan soạn thảo chứng minh được sự cần thiết phải giới hạn mức chi phí nêu trên thì cũng chỉ nên áp dụng đối với các DNNN, không áp dụng đối với các nhóm DN khác.

Chừa cửa cho thị trường bảo hiểm

Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, hiện nay xu hướng mua thêm bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ (ngoài bảo hiểm xã hội) đang được các DN thực hiện như một chính sách đãi ngộ, thể hiện khả năng cạnh tranh, thu hút nhân tài. Đại diện các DN bảo hiểm như Bảo Việt, ACE Life cho biết, xu hướng các DN chi mua bảo hiểm nhân thọ cho cán bộ chủ chốt của công ty đang tăng dần, với giá trị mỗi hợp đồng có khi lên đến hàng tỷ đồng.

Quan sát cho thấy, mặc dù hầu hết các DN mới chỉ đầu tư cho các lao động cấp cao nhưng một số DN cũng đã bắt đầu mua bảo hiểm cho tất cả NLĐ trong đơn vị. Chẳng hạn, thời gian vừa qua Công ty TMA Solutions (TP.HCM) đã chi 55 tỷ đồng mua một lúc 379 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho toàn bộ nhân viên. Hay DN Hoàng Khang (quận 10-TP.HCM) cũng đã thực hiện mua bảo hiểm nhân thọ cho tất cả lao động trong công ty với mức bảo hiểm từ 5-10 triệu đồng/người.

Thời điểm tháng 4/2016 khi Bảo hiểm Bảo Việt thực hiện giới thiệu sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại các tỉnh phía Nam đã có hàng loạt các DN như: Công ty Hải Sơn, Công ty Thành Long An, VPBank Long An, CTCP Phúc Khang… ký hợp đồng mua bảo hiểm cho toàn thể lao động trong DN.

Trong khi đó, trên thị trường hiện nay hàng loạt các DN bảo hiểm đã tung ra các gói sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí. Các sản phẩm như: hưu trí PVI Sun Life, hưu trí vững nghiệp (Bảo Việt), Manulife – điểm tựa hưu trí; an nhàn hưu trí Dai-ichi Life… đang được khá nhiều DN lựa chọn để mua thêm cho lao động cấp cao như một hình thức “trả ơn”. Ngoài ra, hiện nay nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ cũng đã cho ra đời các dòng sản phẩm bảo hiểm nhóm như: Phú bảo nghiệp – Prudential, An nghiệp thành công – Bảo Việt… Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng đã triển khai sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho các DN lớn như: Công ty FPT, Maritime Bank, LienVietPostBank, Mekong Airline…

Như vậy có thể thấy rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ với các dòng sản phẩm đặc thù của mình đang tạo ra khá nhiều lựa chọn cho cộng đồng DN trong việc gia tăng phúc lợi cho NLĐ. Xu hướng mua thêm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí cho lao động cũng đang được các DN tham gia khá tích cực. Chính vì vậy, thay vì siết lại mức chi tiền mua bảo hiểm, Bộ Tài chính nên cởi mở cơ chế tài chính này để các DN mạnh dạn hơn khi đưa ra các phương án chăm lo phúc lợi cho NLĐ.

Nguồn Thời báo Ngân hàng

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//can-nhac-khong-che-muc-chi-mua-bao-hiem_n30487.html