Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Dự án kè ứng phó sạt lở biển được triển khai tại xã Giang Hải (Phú Lộc)

Với 14,5km (trên tổng số 128km bờ biển tỉnh) bị sạt lở, xâm thực liên tiếp trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân và ổn định khu dân cư.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, sạt lở biển làm đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ biển, uy hiếp đến dải cồn cát, ảnh hưởng đến 24 xã, thị trấn ven biển. Đồng thời, một số điểm sạt lở có nguy cơ mở cửa biển mới, ảnh hưởng đến Quốc Lộ 49B cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và ảnh hưởng hệ sinh thái của 22.000ha đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Cứ sau mùa mưa lũ, sạt lở, xâm thực biển xuất hiện hầu hết ở các địa phương vùng ven biển, một số điểm đã ảnh hưởng đến hạ tầng phía trong đất liền và nguy cơ mở cửa biển mới.

Đơn cử, hiện nay đoạn bờ biển qua xã Vinh Mỹ và đoạn bờ biển từ xã Giang Hải đến xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc bị sạt lở với chiều dài khoảng 5km. Đây là khu vực nằm ở múi kè, hoặc chưa được đầu tư xây dựng kè chắn sóng dẫn đến xâm thực nghiêm trọng, có nơi sâu vào đất liền 7-10m.

Theo UBND xã Giang Hải, thời gian qua, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng chức năng, dân quân và người dân sử dụng bao cát kè một số điểm nhằm giảm tình trạng xâm thực, tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn lại bị sóng biển đánh tan.

Hiện nay bờ biển trên địa bàn xã này bị xâm thực nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người dân, có nguy cơ mở cửa biển mới. Nhằm ổn định dân cư lâu dài cần có phương án đầu tư xây dựng kè chắn sóng, chỉnh trị.

Tương tự, đoạn bờ biển qua các xã Điền Hòa, Phong Hải (Phong Điền); Phú Diên (Phú Vang) cũng bị xâm thực trên chiều dài khoảng hơn 3km. Tình trạng biển xâm thực ngày càng diễn biến phức tạp, gây sạt lở vùng bờ, thiệt hại về tài sản của người dân và nguy cơ ảnh hưởng đến ổn định khu dân cư phía bên trong.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong những năm qua bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở biển như: Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận dài khoảng 1.000m; dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang dài 300m và đê ngầm giảm sóng, tạo bãi bồi 550m…

Đoạn bờ biển qua xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển qua địa bàn xã này với chiều dài 3,4km, kinh phí khoảng 260 tỷ đồng. Các công trình kè hiện nay đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.

Riêng đoạn bờ biển qua xã Phú Diên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, các sở, ngành, địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và đã lập chủ trương đầu tư Dự án Kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn qua xã Phú Hải - Phú Diên với chiều dài 1,9km, tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng và đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 7/4/2020.

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, do kinh phí đầu tư xây dựng kè chống sạt bờ biển rất lớn, ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa cân đối đủ nguồn vốn để đầu tư. Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương bố trí tiêu vè, rào chắn, lắp dựng các biển cảnh báo tại các khu vực sạt lở nguy hiểm. Chủ động di dời, sơ tán người dân, dự trữ vật tư dự phòng để xử lý khẩn cấp tạm thời khi có thiên tai xảy ra.

Về lâu dài, UBND tỉnh đang đề xuất Chính phủ và các bộ ngành xem xét bố trí nguồn vốn của Trung ương để từng bước thực hiện các dự án.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương đưa vào chương trình hỗ trợ cho tỉnh để triển khai các dự án như di dời các hộ dân vùng sạt lở (với kinh phí 107 tỷ đồng), kè chống sạt lở bờ biển (với kinh phí 1.140 tỷ đồng).

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã lập quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển. Chỉ đạo điều tiết vận hành hợp lý các hồ thủy điện, thủy lợi thượng nguồn các sông nhằm giảm thiểu thiệt hại do tình trạng xâm thực, sạt lở gây ra và ngăn chặn việc khai thác cát sỏi trái phép trên các lòng sông, khu vực ven biển.

Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển khoảng 7km, với kinh phí trên 700 tỷ đồng (gồm các đoạn xây dựng kè xử lý sạt lở qua địa bàn TP. Huế, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc). Hiện nay các công trình kè chống sạt lở đang phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp và ổn định vùng dân cư.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/can-nguon-von-xay-ke-ung-pho-sat-lo-bien-138271.html