Cần một giải pháp toàn diện

(TBKTSG) - Nền kinh tế đang đi vào một quỹ đạo khó lường, chưa kịp mừng khi lạm phát có dấu hiệu giảm thì lại phải đối mặt nhiều thách thức mới khi tốc độ tăng trưởng, các chỉ số sản xuất công nghiệp... cũng giảm theo. Nhận diện chính xác nguyên nhân để tìm ra những giải pháp phù hợp có lẽ là vấn đề cần thiết trong lúc này.

Lê Duy Khánh

Ở thời điểm hiện tại, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém bởi đầu ra đang thực sự khó khăn, lạm phát đã bào mòn sức mua của người dân và lợi nhuận của doanh nghiệp, dẫn đến tổng cầu sụt giảm. Ảnh: Thanh Tao.

Nguyên nhân của những khó khăn

Số liệu thống kê kinh tế của quí 1-2012 đã được nhiều chuyên gia phân tích, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Tác giả bài viết này đồng ý với quan điểm cho rằng, nền kinh tế nước ta đang thật sự khó khăn, có nguy cơ rơi vào tình trạng đình đốn trong thời gian tới.

Điều này có nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua đã quá phụ thuộc vào vốn so với năng suất lao động và tiến bộ công nghệ. Trong khi đó, nếu vốn đầu tư từ ngân sách vẫn chưa chứng minh được hiệu quả thì nguồn tín dụng ngân hàng năm 2011 chỉ tăng bằng một phần ba so với mức tăng bình quân của giai đoạn 2005-2010, thậm chí quí 1-2012 tăng trưởng tín dụng bị âm 2,13% so với cuối năm 2011.

Ngày 25-3 vừa qua, Thủ tướng cũng đã có buổi tham vấn các chuyên gia về các chính sách vĩ mô, trong đó có hai ý kiến rất đáng chú ý liên quan đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng thời gian qua. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, tín dụng năm 2011 tăng chậm và sụt giảm trong quí 1-2012 thì “vấn đề không phải là “tiếp cận vốn” mà là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất kém”. Còn ở phía ngược lại, ông Trần Xuân Giá (Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) lại cho rằng “vấn đề không phải là tính thanh khoản, hay là không có người vay, mà là lãi suất cao quá khiến doanh nghiệp không vay được”.

Có lẽ cả hai vị đều đúng, ở thời điểm hiện tại, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém bởi đầu ra đang thực sự khó khăn, lạm phát đã bào mòn sức mua của người dân và lợi nhuận của doanh nghiệp, dẫn đến tổng cầu sụt giảm. Nhưng hấp thụ vốn kém cũng bởi doanh nghiệp khó tìm được dự án kinh doanh khả thi ở thời điểm này khi mà lãi suất ngân hàng đang quá cao, làm triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa và quốc tế. Đó chỉ là hai mặt của một vấn đề mà thôi.

Vì vậy, để tránh nguy cơ đình đốn trong thời gian tới, cần giải quyết hai vấn đề chính, đó là hạ lãi suất cho vay và tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Nhận diện chính xác và giải quyết nhanh bài toán thanh khoản

Có ý kiến cho rằng, cần duy trì mức lãi suất cao để tạo ra áp lực cho quá trình cải cách sau khi NHNN điều chỉnh giảm 1 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành. Tuy nhiên, cần biết rằng, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng kéo dài đã hơn hai năm nay, nếu tính từ thời điểm cuộc đua lãi suất trở nên công khai (từ tháng 12-2010) thì đến nay đã tròn một năm một quí. Trong suốt thời gian đó, nền kinh tế đã phải gánh chịu mức lãi suất quá cao (chứ không chỉ cao). Vì vậy, kéo dài thêm sẽ quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Theo NHNN, nhóm ngân hàng đang thiếu thanh khoản chỉ chiếm khoảng 6% thị phần, vậy sao có thể “làm mưa làm gió” trên thị trường huy động, khiến cho nền kinh tế phải gồng mình gánh chịu mức lãi suất cao suốt một thời gian dài? Vì vậy, thiết nghĩ nhận định về nhóm ngân hàng thiếu thanh khoản như trên là chưa hợp lý. Bên cạnh những ngân hàng thừa thanh khoản thật sự, thì hiện nay nhiều ngân hàng nằm trong nhóm 1, 2 vẫn huy động vượt trần, không phải chỉ vì để giữ khách hàng.

Có thể nói rằng NHNN tỏ ra thiếu kiên quyết trong vấn đề xử lý thanh khoản, từ chỗ nhận định chưa đúng nhóm đối tượng thiếu thanh khoản cho đến việc giải quyết thanh khoản của nhóm yếu kém đã được xác định. Điều đó giải thích cho hiện tượng vượt trần lãi suất kéo dài mà không có hướng giải quyết.

Đối với nhóm ngân hàng yếu kém được xác định là đang mất thanh khoản, hiện nay họ không được tăng trưởng tín dụng. Vậy nhu cầu vốn của họ xuất phát từ đâu? Vấn đề họ đang phải đối mặt là nợ quá hạn đang gia tăng từng ngày, những khoản nợ quá hạn phát sinh dẫn đến khả năng quay vòng vốn để trả cho những khoản tiền gửi gặp khó khăn, bên cạnh đó là yêu cầu phải hoàn trả các khoản vay tái cấp vốn cho NHNN. Với các ngân hàng này, lấy sau trả trước và chấp nhận lãi suất cao là việc bắt buộc phải làm.

Đối với nhóm này, điều quan trọng nhất đối với NHNN là xác định chính xác được dòng vốn đã đi đâu và yêu cầu họ phải quyết liệt thu hồi (với chế tài mạnh mẽ, nếu không thu hồi được trong thời gian nhất định thì sẽ cách chức/miễn nhiệm hội đồng quản trị/ban điều hành, chẳng hạn), bởi lẽ nếu họ chỉ cho khách hàng vay bình thường như những ngân hàng khác, mức độ thiếu hụt thanh khoản chắc chắn không nghiêm trọng và kéo dài như vậy. Nếu những khoản nợ đó không được thu hồi kịp thời, mọi nỗ lực sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề và nguy cơ tái mất thanh khoản vẫn luôn hiện hữu.

Nhưng đó không phải là chuyện một sớm một chiều, trước mắt có thể tính đến phương án áp dụng chế tài đối với người gửi tiền vượt trần lãi suất. Có chuyên gia cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu, thông điệp “không để ngân hàng nào đổ vỡ” của NHNN cần phải được thay bằng “không để cho người gửi tiền mất tiền”. Theo tôi, cho dù có thay đổi như vậy, thông điệp vẫn còn quá rộng, chỉ nên “bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp” là đủ.
Với kỳ vọng lạm phát hiện nay, mức lãi suất trần 12%/năm là đảm bảo cho lãi suất thực dương, do đó người gửi tiền không có lý do biện minh cho hành vi gửi tiền vượt trần lãi suất của mình ngoài việc tìm kiếm một mức sinh lời cao hơn. Việc chỉ áp dụng chế tài đối với ngân hàng (chỉ là một trong hai bên tham gia vào một thỏa thuận trái pháp luật) thực tế không đủ tính răn đe. Nếu bị phát hiện, khoản tiền gửi sẽ không được trả lãi, thậm chí áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu khoản tiền gửi và/hoặc trong trường hợp xảy ra giải thể, phá sản ngân hàng, thì các khoản tiền gửi này sẽ không được bảo hiểm... là những chế tài đủ mạnh để lập lại trật tự thị trường vốn đã “lờn thuốc” từ lâu như hiện nay.

Đến lúc cần xem xét các biện pháp kích cầu

Chỉ với một quí có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp mà đặt ra vấn đề kích cầu có lẽ hơi sớm. Tuy nhiên, nếu lãi suất cho vay thực tế vẫn duy trì ở mức cao, kéo dài và chưa có hướng giải quyết như hiện nay (dù trần lãi suất vừa được giảm từ 13% xuống còn 12%), cộng với độ trễ của chính sách (từ 6 tháng) thì các giải pháp để kích cầu có lẽ nên cần bàn đến ngay từ bây giờ.

Chúng ta sẽ xem xét từng nhân tố của mô hình tổng cầu (AD) trong nền kinh tế mở (AD = C + I + G + NX) để có thể lựa chọn những giải pháp kích cầu phù hợp trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc kích cầu cần tránh lặp lại những biện pháp như hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh chi tiêu công như chúng ta đã từng áp dụng trong quá khứ mà kết quả thế nào ai cũng rõ.

Cần khoan sức dân hơn nữa và phải quyết liệt trong giải quyết thanh khoản của hệ thống ngân hàng đồng thời giảm dần chi tiêu công là những giải pháp cần thiết nhằm tránh một sự đình trệ sản xuất.

Đầu tiên là chi tiêu của hộ gia đình (C): kích cầu đối tượng này bằng cách gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau thuế) là giải pháp khả dĩ hiện nay. Mức giảm trừ bản thân 4 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 1,6 triệu đồng hiện nay cần phải được tăng lên. Với mặt bằng giá cả hiện nay, các mức giảm trừ này khó đảm bảo cho người lao động có mức sống trung bình, do đó việc phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức thu nhập này chẳng khác nào lạm thu và rõ ràng đã ảnh hưởng đến sức mua của nền kinh tế.

Với tiêu dùng cá nhân, điều đáng mừng là lạm phát đang trên đà giảm, điều này sẽ có tác dụng khiến mọi người cảm thấy mình “giàu có” hơn do mua được nhiều tài sản hơn với số tiền lương danh nghĩa cố định, điều này cũng sẽ giúp mở rộng tổng cầu.

Đối với các khoản đầu tư (I): số lượng thống kê các doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngưng nộp thuế... dù chắc chắn chưa đầy đủ, cùng với thất nghiệp, chỉ số hàng tồn kho và nợ quá hạn tại các ngân hàng gia tăng đã cho chúng ta một bức tranh xám xịt về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp. Khả năng chịu đựng của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước có lẽ đã đến giới hạn. Do đó, các biện pháp giảm hoặc hoãn thuế cần được tính đến nếu tình hình sắp tới không được cải thiện. Bên cạnh đó, ở khía cạnh doanh nghiệp, dưới áp lực của khó khăn, cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu tổ chức và hoạt động hơn nữa, nhằm tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả và gia ă

ng đầu tư.
Đối với chi tiêu chính phủ (G): thời điểm này không thể trông đợi vào việc mở rộng chi tiêu chính phủ để gia tăng tổng cầu, ngược lại cần phải cắt giảm trong thời gian tới. Các nghiên cứu lý thuyết về tác động của chi tiêu chính phủ tới tổng cầu đã chỉ ra rằng, chi tiêu chính phủ tất nhiên là cần thiết, tuy nhiên nếu vượt quá một ngưỡng nào đó thì sẽ có tác dụng ngược, tức là sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế. Ngưỡng mà các nhà kinh tế cho rằng hợp lý là 15-25% GDP, nếu vượt quá ngưỡng này, chi tiêu chính phủ sẽ dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực không hiệu quả, trong đó có tác động chèn lấn đối với đầu tư tư nhân.

Trong khi đó, chi tiêu công của Việt Nam đã vượt mức 30% GDP trong nhiều năm qua và tác động chèn lấn đầu tư tư nhân, về mặt định tính, có thể nhận thấy thông qua việc dòng vốn từ hệ thống ngân hàng đang chuyển sang tài trợ cho ngân sách bằng việc mua trái phiếu chính phủ, còn tín dụng cho các thành phần kinh tế bị tắt nghẽn.

Cuối cùng là xuất khẩu ròng (NX): nếu chỉ đơn thuần nhìn vào mức thâm hụt thương mại vỏn vẹn 250 triệu đô la Mỹ trong ba tháng đầu năm nay thì đó là kết quả khả quan, thế nhưng khi xét trong tổng thể của một “nền kinh tế gia công” thì đó thật sự là tín hiệu đáng lo ngại. Ở điều kiện hiện tại, chính những vấn đề nội tại là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của nền kinh tế, chứ không phải vấn đề tỷ giá hay thị trường. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường xuất khẩu khi sức mua của thị trường nội địa đang suy giảm là việc làm được khuyến khích, mặc dù đây không phải là giải pháp có thể tác động mạnh đến tổng cầu trong điều kiện hiện tại.

Tóm lại cần khoan sức dân hơn nữa và phải quyết liệt hơn nữa trong giải quyết thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm dần chi tiêu công là những giải pháp cần thiết nhằm tránh một sự đình trệ sản xuất có thể xảy ra trong tương lai gần, cũng là cách giảm nguy cơ của lạm phát đình đốn, mà nếu xảy ra, sẽ khó giải quyết hơn nhiều so với lạm phát do cung tiền như thời gian qua.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/sotay/74868/