Cần một cuộc cách mạng thực sự cho nông nghiệp

Hiếm thấy một kỳ họp Quốc hội nào vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đặt ra nhiều khía cạnh trên bàn nghị sự với những giải pháp đột phá như tại kỳ họp thứ 2 khóa XIV này.

NNVN đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), người đã có nhiều phát biểu mạnh mẽ trước Quốc hội về chính sách đột phá nông nghiệp.

Trong phiên chất vấn Thủ tướng vào sáng 17/11 tại Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Thủ tướng nói rõ về các giải pháp cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất lớn

Thưa ông, qua theo dõi từ đầu kỳ họp thứ 2 đến nay, chúng tôi thấy, vấn đề đầu tư cho “tam nông” luôn được đặt lên bàn nghị sự. Theo ông vì sao chúng ta cần tính cho nông nghiệp một lộ trình dài hơi như vậy?

Bởi vì đất nước chúng ta có đến 62% dân số sống khu vực nông thôn và 44% lao động nông nghiệp. Qua nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp chúng tôi thấy, thời gian vừa qua tổng vốn đầu tư của nhà nước dành cho nông nghiệp chỉ chiếm 6%. Tổng vốn đầu tư xã hội dành cho nông nghiệp cũng chỉ có 7%. Trong khi ngành nông nghiệp đóng góp vào GDP là 17%.

Trong báo cáo về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chúng tôi thấy Bộ KH-ĐT tính rất chuẩn ở chỗ ICO của nông nghiệp rất hiệu quả, chỉ có 3.7, trong khi đó chỉ số ICO của lĩnh vực công nghiệp dịch vụ lên tới 7.0.

Chính vì thế việc chúng ta có một chính sách đồng bộ bên cạnh chính sách miễn giảm thuế và những chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu về tăng năng suất lao động.

Trong tăng năng suất lao động hiện nay tính bằng cách lấy GDP chia cho lực lượng lao động mà lực lượng lao động đó hiện nay nằm ở lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu, cho nên chúng ta nên xây dựng thêm hệ thống các chính sách để khuyến khích đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó vấn đề đầu tư công vào nông nghiệp cần được chú ý, đặc biệt là giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng.

Thưa ông, chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có ĐBQH đề nghị phải có một cuộc cách mạng cho nông nghiệp chứ không chỉ là cơ cấu lại ngành. Quan điểm của ông về điều này và chúng ta nên có những bước đi như thế nào để bắt nhịp với xu thế?

Tôi đồng tình phải có một cuộc cách mạng thực sự mạnh mẽ với nền nông nghiệp nước nhà, nếu không nông dân chúng ta sẽ không hết khó khăn, vất vả.

Tôi cho rằng quan tâm đầu tư cho nông nghiệp cũng chính là mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nông dân. Bài toán hiện nay là làm sao tăng được năng suất lao động xã hội để góp phần tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Muốn vậy thì phải có một cuộc cách mạng về nông nghiệp. Tức là nông nghiệp phải chuyển sang một nền sản xuất lớn, chuyên nghiệp.

Cái này theo tôi nên bắt đầu từ việc phải giải quyết được bài toán về hạn điền. Chúng ta phải tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai để sản xuất lớn, qua đó đưa được KHCN tiên tiến vào ứng dụng sản xuất lớn. Có như vậy mới tăng được năng suất lao động.

Ở đây có một thực tế là người nông dân VN đang khó khăn cả hai mặt đầu vào và đầu ra. Về đầu vào thì phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc rất hay bị làm giả, giá cả bấp bênh. Ngoài ra do tiếp cận vốn khó nên họ phải vay với hình thức thương mại, vừa mua ký chịu tại đại lý lại phải chịu thêm lãi suất cao nữa.

Trong khi bán nông sản, giá cả do tiểu thương quyết định, hôm nay là 10 ngàn, ngày mai có thể xuống còn 5 - 6 ngàn. Đời sống người dân vẫn vô cùng khó khăn. Do đó chúng ta phải tổ chức lại sản xuất mới đảm bảo bền vững để đáp ứng trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác, lao động nông nghiệp của ta đang chiếm tỷ lệ rất cao trong nông thôn cho nên khi chuyển đổi sản xuất đòi hỏi phải cơ cấu lại lao động. Do đó phải hỗ trợ họ trong chuyển đổi, cái này cần xã hội hóa trong đào tạo, chuyển lao động nông nghiệp sang dịch vụ, chế biến, công nghiệp...

Có giải pháp phát triển du lịch ở khu vực nông thôn, những nơi có danh lam, thắng cảnh, không gian du lịch có thể phát triển được, gắn du lịch xanh. Ở đó tạo ra những sản phẩm làng nghề đặc trưng vừa làm du lịch vừa tăng năng suất lao động.

Bên cạnh đó Chính phủ cần hình thành một gói giải pháp hỗ trợ khuyến khích đầu tư xã hội vào nông nghiệp. Vì đầu tư công hiện nay đã hạn chế rồi thì chúng ta phải khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho nông nghiệp.

Chúng ta có chính sách hỗ trợ dưới dạng thuế, xúc tiến đầu tư thương mại, đất đai để hút vốn xã hội vào nông nghiệp. Khi tăng vốn đầu tư xã hội thì nông nghiệp sẽ có lực phát triển hơn. Còn đầu tư công để dành cho hạ tầng như giao thông, thủy lợi. Qua đó nhà đầu tư nhìn thấy dồn vốn vào nông nghiệp là có nhiều thuận lợi, dễ sinh ra lời vì hạ tầng được đáp ứng.

Thưa ông, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề cập đến việc nghiêm túc thực hiện tích tụ đất đai và Nghị quyết Quốc hội mới ban hành cũng nhấn mạnh sẽ thiết lập khung pháp lý cho tích tụ đất nông nghiệp. Ngay trong trả lời chất vấn ĐBQH sáng 17/11, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn đề cập đến điểm nghẽn trong đột phá nông nghiệp là vấn đề tích tụ đất. Thủ tướng có nói đến hạn điền trong Điều 129 Luật Đất đai. Với tư cách ĐBQH, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và chúng ta cần một khung pháp lý ra sao cho tích tụ đất đai?

Hiện nay có rất nhiều luật cần phải điều chỉnh thì như vậy Quốc hội cần phải thông qua một luật điều chỉnh các luật hoặc điều chỉnh các điều khoản của từng luật khác vào trong luật này để chúng ta ứng phó nhanh, điều chỉnh nhanh những vấn đề bất hợp lý trong thực tế cuộc sống.

Ngay cả khu vực nông nghiệp cũng cần nghiên cứu đến một luật về nông nghiệp, nghiên cứu đến một hệ thống các giải pháp để hình thành nên cuộc cách mạng nông nghiệp, chuyển nông nghiệp sang một hình thái sản xuất mới phù hợp với quá trình CNH-HĐH nền nông nghiệp quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/can-mot-cuoc-cach-mang-thuc-su-cho-nong-nghiep-post180691.html