Cần lượng hóa rõ tiêu chí 'nơi ở tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ'

Tuần qua, nhiều cơ quan đoàn thể của thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến chi tiết, cụ thể đã được ban tổ chức tiếp nhận.

Các tầng lớp nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tích cực góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các tầng lớp nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tích cực góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Hội thảo khoa học Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng (Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh) Trần Văn Bảy cho rằng, mọi giao dịch nhà đất cần phải qua công chứng mua bán, không nên quy định như tại Điều 28 dự thảo Luật.

“Điều 28 dự thảo quy định nếu một bên tham gia giao dịch là tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản thì được lựa chọn công chứng, chứng thực hoặc là không. Tôi đề nghị cần cân nhắc quy định này, vì các giao dịch bất động sản có giá trị lớn, phức tạp mà không qua công chứng, chứng thực, có thể có nhiều hệ lụy”, ông Trần Văn Bảy nói.

Còn Tiến sĩ Ninh Thị Hiền, xuất phát từ góc độ một người trực tiếp làm công chứng viên, bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định các giao dịch chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất cần thông qua sàn giao dịch bất động sản. Trong khi đó, theo dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sàn giao dịch này có thể do chủ đầu tư dự án bất động sản lập ra.

“Nếu theo quy định trong dự thảo, chủ đầu tư vừa bán sản phẩm cho người mua, vừa đứng ra thuê lại sản phẩm này thông qua sàn giao dịch bất động sản của chính mình, dễ dẫn đến việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ngoài ra, có thể tạo sự bất bình đẳng vị thế pháp lý với một bên là một cá nhân nhỏ lẻ, một bên là tập đoàn bất động sản lớn… Quy định này chỉ nên áp dụng với các giao dịch giữa các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản với nhau hoặc với pháp nhân. Các giao dịch với các đối tượng khác nhất thiết phải qua công chứng, chứng thực”, Tiến sĩ Ninh Thị Hiền phân tích.

Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng những quy định trong Luật Đất đai sửa đổi sẽ giúp thành phố khai thác quỹ đất hiệu quả hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng những quy định trong Luật Đất đai sửa đổi sẽ giúp thành phố khai thác quỹ đất hiệu quả hơn.

Còn tại buổi Tọa đàm “Lấy ý kiến cán bộ, công nhân, viên chức ngành Tài nguyên Môi trường đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các đại biểu bàn luận về 10 vấn đề lớn liên quan đến đất đai, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất…

Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường) nhận định, có một số thuật ngữ gây khó hiểu trong dự thảo, như: “Thửa đất chuẩn” là thửa đất có hình thể, diện tích có tính đại diện vùng giá trị trong một khu vực để tính giá trị cho các thửa đất khác trong khu vực.

“Xác định thửa đất như thế nào là đại diện cho cả một khu vực không dễ. Tôi đề nghị cần có khái niệm cụ thể về vấn đề này”, ông Bùi Thanh Sơn nói.

Còn bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn về quy định nguồn kinh phí hoạt động cho Trung tâm Phát triển quỹ đất trong dự thảo. Theo bà, dự thảo đang quy định doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước này lấy kinh phí hoạt động từ kinh phí phát triển quỹ đất. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn kinh phí này không thường xuyên, có thể gây khó cho hoạt động của trung tâm. Ngoài ra, nếu giao việc giải phóng mặt bằng cho đơn vị này theo Điều 113 của dự thảo, liệu có khả thi hay không?

Khu tái định cư cho người dân Thủ Thiêm vẫn bỏ trống lâu nay, do nhiều người dân đã không nhận nhà tái định cư là chung cư, vì cho rằng khó tạo sinh kế sau khi rời nơi ở cũ là nhà đất.

Khu tái định cư cho người dân Thủ Thiêm vẫn bỏ trống lâu nay, do nhiều người dân đã không nhận nhà tái định cư là chung cư, vì cho rằng khó tạo sinh kế sau khi rời nơi ở cũ là nhà đất.

Gửi góp ý độc lập, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phùng Văn Hải nhận định, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể về việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không nên quy định như dự thảo là giao Chính phủ tổ chức việc này, bởi trên thực tế, thời gian qua, cơ quan Tòa án đã thụ lý giải quyết nhiều vụ kiện hành chính phức tạp trong lĩnh vực này, do các quy định pháp luật chưa chi tiết.

Ngoài ra, ông Phùng Văn Hải đề xuất: “Cần có quy định chi tiết về nội dung này ngay trong Điều 94 Luật Đất đai (sửa đổi) về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Ở Mục 2, Mục 3, Mục 4 Chương VII về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nên có quy định chi tiết hoặc lượng hóa về tiêu chí “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” theo khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Các góp ý tại các hội nghị, hội thảo nêu trên sẽ được sở, ngành chức năng tổng hợp trước ngày 17-3-2023, báo cáo tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh trình các bộ, ngành Trung ương.

An Tôn – Phương Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bat-dong-san/1058025/can-luong-hoa-ro-tieu-chi-noi-o-tai-dinh-cu-phai-bang-hoac-tot-hon-noi-o-cu