Cần lực đẩy từ chính sách để thực sự bước vào kỷ nguyên số

Để phát triển công nghiệp, công nghệ số nhanh và bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng những chính sách ưu đãi tạo động lực cho doanh nghiệp công nghệ, tạo ra các tiêu chuẩn sản phẩm công nghệ Make in Vietnam.

Hội thảo Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp số theo định hướng Make in Vietnam. Ảnh: VGP.

Hội thảo Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp số theo định hướng Make in Vietnam. Ảnh: VGP.

Công nghiệp Việt Nam vẫn ở giai đoạn gia công, lắp ráp

Phát biểu tại hội thảo Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp số theo định hướng Make in Vietnam diễn ra ngày 14/6, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhận định, sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đan xen lẫn thách thức.

Ông Nguyễn Hồng Sơn dẫn dự báo của tập đoàn Ericsson, vào năm 2025 khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh. Đặc biệt, trong số 7 quốc gia đã triển khai sản xuất thiết bị thông minh 5G, Việt Nam được Ericsson đánh giá là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030.

Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố hồi tháng 11/2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D.

Báo cáo của CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tháng 3/2021 cũng cho thấy, chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; tỷ lệ doanh nghiệp có nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các ngành sản xuất còn rất thấp như ngành sản xuất thiết bị điện (17%), hóa chất (15%), chế biến thực phẩm (9%), sản phẩm từ cao su và nhựa (7%), ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan (6%) và ngành dệt may (5%).

Đề cập đến tiến trình phát triển của ngành công nghiệp nói chung, tại sự kiện, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ ra 3 giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn 1 là gia công lắp ráp để tận dụng ưu thế lao động dồi dào, trình độ chưa đồng đều nhưng chi phí cạnh tranh. Giai đoạn 2 là làm sản phẩm tích hợp, từng bước tham gia chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất và tối ưu hóa quy trình. Giai đoạn 3 là làm sản phẩm, tự chủ một số công nghệ lõi.

"Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn gia công lắp ráp và bắt đầu làm sản phẩm tích hợp. Sản xuất thông minh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp Việt tự động hóa các quy trình, tối ưu hóa chi phí sản xuất và nhanh chóng có sản phẩm đến người dùng".

"Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn gia công lắp ráp và bắt đầu làm sản phẩm tích hợp. Sản xuất thông minh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp Việt tự động hóa các quy trình, tối ưu hóa chi phí sản xuất và nhanh chóng có sản phẩm đến người dùng".

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa

Xây dựng chính sách đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ số

Bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của công ty công nghệ thông tin VNPT-IT cho biết, để ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cần có sự kết hợp giữa sức mạnh tự cường và khả năng hợp tác quốc tế, giữa Nhà nước mạnh và thị trường mạnh.

Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ số phải là trung tâm, lấy chất lượng và thương hiệu Make in Vietnam làm nền tảng, nguồn nhân lực tài năng phải được xem là then chốt.

Lãnh đạo của VNPT-IT cũng đưa ra 5 đề xuất về chính sách phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đó là chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam; xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; thu hút vốn đầu tư FDI và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

"Cùng với chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ Việt như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi vay vốn...cũng cần có chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam thông qua các tiêu chí thống nhất cho các nền tảng chuyển đổi số quốc gia, các nguyên tắc xác định nền tảng số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài".

Bà Phan Thị Thanh Ngọc, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của VNPT-IT

Chia sẻ dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc MISA khuyến nghị, các doanh nghiệp Nhà nước nên tập trung vào những nền tảng, hạ tầng số mà doanh nghiệp tư nhân không làm được để tạo bệ phóng cho người dân và doanh nghiệp tư nhân phát triển.

"Các cơ quan bộ, ban, ngành cần tập trung xây dựng chính sách, các tiêu chuẩn phần mềm do tư nhân phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm công nghệ của người Việt, góp phần phát triển ngành công nghệ thông tin nước nhà", đại diện MISA nói thêm.

Hội thảo Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam là một trong 4 hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức, gắn với triển khai Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận để thúc đẩy ngành công nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/can-luc-day-tu-chinh-sach-de-thuc-su-buoc-vao-ky-nguyen-so-post22933.html