Cần lộ trình xử lý dứt điểm xe tự chế, xe 3 bánh

Quy định cấm xe tự chế 3, 4 bánh đã có từ lâu. Nhiều địa phương cũng đề xuất thu hồi, cấm loại phương tiện này hoạt động nhưng đến nay vẫn không thực hiện được vì nhiều lý do.

Vì thế, hằng ngày, xe 3, 4 bánh và các loại xe tự chế vẫn hoạt động trên các tuyến đường, trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Chính phủ đã cấm từ lâu, nhưng...

Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”; “Đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó”.

Xe 3 bánh chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường Lê Duẩn, TP Hà Nội.

Thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, từ năm 2008, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương không phát triển mới các loại xe này, ban hành quyết định cấm và hạn chế xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên các quốc lộ thuộc địa bàn. Thế nhưng, sau đó thành phố lại xin lùi thời gian thực hiện và đến nay, thành phố vẫn còn hàng chục nghìn xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động. Các xe này khi lưu thông trên đường thường vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm; phương tiện không được đăng kiểm định kỳ, nhiều xe cơi nới để vận chuyển được nhiều hàng hóa, nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Còn tại TP Hà Nội, tháng 7-2017, Sở Giao thông vận tải đề xuất với UBND thành phố lộ trình và giải pháp hạn chế, tiến tới cấm sử dụng xe 3 bánh vận tải hàng hóa. Theo đó, thời điểm ngày 30-6-2018 sẽ thu hồi toàn bộ xe 3, 4 bánh không đủ tiêu chuẩn; đồng thời dán lô gô cho xe đã đăng ký, được phép lưu hành. Không rõ kết quả triển khai, thực hiện đề xuất này đến đâu nhưng trên khắp mọi nẻo đường, tuyến phố Thủ đô hiện nay, người dân dễ bắt gặp cảnh xe 3, 4 bánh chở hàng cồng kềnh, chằng buộc sơ sài, lưu thông lộn xộn... gây mất an toàn giao thông. Vụ tai nạn gần đây nhất là vào ngày 8-5, một chiếc xe 3 bánh chở theo bó sắt di chuyển ngược chiều trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân bất ngờ xảy ra va chạm với xe buýt, khiến những thanh sắt chọc thủng kính chắn và một phần đầu của xe buýt.

Nên quản lý hiệu quả rồi tiến tới cấm

Sau vụ tai nạn nêu trên (ngày 8-5), ngày 9-5, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 1370/UBND-TH yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng cồng kềnh gây mất trật tự, an toàn giao thông. Trong đó có việc xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa; kiểm tra, rà soát, xử lý các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định.

Năm 2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải về lộ trình hạn chế xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh lưu thông. Theo đó, giai đoạn từ năm 2021 đến 2022 thực hiện cấm các loại xe trên lưu thông trong khu vực nội đô thành phố thời gian từ 5 giờ đến 13 giờ và từ 16 giờ đến 22 giờ; đối với một số đoạn tuyến Quốc lộ 1, 1K, 13, 22, 50, xa lộ Hà Nội... thời gian cấm các loại xe trên lưu thông là từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ. Giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, giữ nguyên vành đai hạn chế xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh lưu thông trong nội đô. Tuy nhiên, điều chỉnh thời gian cấm các loại xe trên lưu thông trong khu vực nội đô từ 5 giờ đến 22 giờ. Giai đoạn sau năm 2025, chấm dứt hoàn toàn hoạt động của loại phương tiện xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh trên địa bàn. Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, quá trình triển khai thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn do nhu cầu mưu sinh của người dân bằng phương tiện này còn nhiều.

Thiếu tá Nguyễn Cao Thắng, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết: “Thực tế, thời gian vừa qua lực lượng CSGT thành phố và công an cơ sở đã có nhiều đợt ra quân, kế hoạch chuyên đề định kỳ xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với các xe tự chế. Tuy nhiên, trên các tuyến đường nội đô hiện nay, lực lượng CSGT mỏng, sau khi tuần tra, kiểm soát trở về các điểm chốt giao thông, các chủ xe thường lợi dụng thời gian này để hoạt động. Trong quá trình chúng tôi tiến hành xử lý, có rất nhiều xe tự chế, xe 3 bánh không phải do thương binh điều khiển. Những xe tự chế thường chở hàng, vật liệu xây dựng cồng kềnh gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông. Theo quy định, người điều khiển xe 3 bánh phải có bằng lái A3, nhưng rất nhiều lái xe không có bằng này. Sau khi Văn bản số 1370/UBND-TH của UBND TP Hà Nội được ban hành, chúng tôi đã tiếp tục tăng cường tiến hành xử lý xe 3, 4 bánh và các loại xe tự chế, tuy nhiên do mức xử phạt không quá cao nên chưa thực sự đủ sức răn đe”. Còn theo Thạc sĩ Vũ Văn Chung, chuyên gia về giao thông: “Để ngăn chặn triệt để xe tự chế, cần phải có thời gian. Nhưng trước hết, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xe tự chế, xe 3 bánh gây tai nạn hoặc tái phạm nhiều lần. Cùng với đó, phải kiên quyết tịch thu, tiêu hủy công khai đối với những trường hợp vi phạm để răn đe”.

Hiện nay, số lượng xe tự chế, xe 3, 4 bánh trong cả nước vẫn còn lớn. Vì thế, nếu cấm hoàn toàn loại phương tiện này ngay lập tức cũng gây nhiều khó khăn cho người dân. Điều đó đòi hỏi các địa phương cần tính toán lộ trình cụ thể. Về lâu dài, việc tiến tới xử lý dứt điểm và cấm hoàn toàn loại phương tiện này ở các đô thị lớn là phù hợp với thực tiễn, cũng là thực hiện văn minh đô thị.

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC - BÙI NHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-lo-trinh-xu-ly-dut-diem-xe-tu-che-xe-3-banh-694390