Cần làm rõ một số vấn đề trong dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

Sáng nay (31/10), sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Cần làm rõ thêm một số vấn đề

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công (Điều 6), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho rằng, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công được quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, làm rõ và chỉnh sửa một số vấn đề sau:

Thứ nhất,trong thực tế có nhiều loại tài sản công đang được các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng nhằm kinh doanh, cung cấp dịch vụ công và người sử dụng các dịch vụ phải nộp các khoản phí, lệ phí hoặc giá dịch vụ do cơ quan Nhà nước quy định (như phí bay qua vùng trời...). Dó đó, dự thảo Luật quy định “nguồn lực tài chính từ tài sản phải được khai thác hợp lý, theo cơ chế thị trường và phải bảo đảm bù đắp chi phí” (khoản 4) là chưa thực sự phù hợp.

Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Dự thảo luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật phí và lệ phí và thực tiễn nền kinh tế. Theo đó, nên xây dựng nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công cho các mục đích cụ thể như sau: Tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước phải sử dụng, khai thác đúng mục đích, tiêu chuẩn và tiết kiệm; tài sản cung cấp dịch vụ công thực hiện nguyên tắc của Luật phí và lệ phí; tài sản để kinh doanh phải thực hiện theo cơ chế thị trường, bù đắp được chi phí và đảm bảo được lợi ích của Nhà nước.

Thứ hai, đề nghị cần bổ sung vào khoản 4 Điều 6 nguyên tắc: việc khai thác các nguồn lực tài chính từ tài sản công phải đảm bảo tiết kiệm, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, các tổ chức, cá nhân và góp phần tăng thu NSNN.

Thứ ba, đề nghị đưa khoản 2 Điều 7 sang nội dung của Điều 6 vì đây cũng là nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công để trách trùng lặp và sửa lại tên Điều 7 là hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho biết có ý kiến trong Ủy ban đề nghị cần làm rõ khái niệm “khai thác tài sản công”, vì thực tế việc khai thác là hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết, thế chấp cho vay hoặc sử dụng tài sản để cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Về công khai tài sản công (Điều 8), Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho rằng,nội dung công khai về tài sản công tại khoản 2 Điều 8 của dự thảo Luật còn thiếu chi tiết, đề nghị cần làm rõ việc công khai trên cổng thông tin điện tử ở cơ quan nào, địa điểm niêm yết công khai, hình thức công khai (công bố tại các kỳ họp nào, định kỳ công bố hay công bố khi có điều chỉnh, thay đổi về tài sản,...).

Các đại biểu tán thành dự thảo Luật và đề nghị bổ sung thêm một số điều

Sau khi ngheo báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo luật này.

Tại tổ 14 (gồm các tỉnh Ninh Bình, Điện Biên, Sóc Trăng, Quảng Bình), đại biểu Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết: Đánh giá tài sản công là công cụ hết sức quan trọng, là tiềm năng của quốc gia. Ở nước ta, có rất nhiều tài sản hiện nay chưa đánh giá theo giá thị trường, đặc biệt là tài nguyên về đất đai, công trình phúc lợi xã hội, kể cả hệ thống đường giao thông....

“Trong tài sản quốc gia, phân ra tài sản sinh lời và mang tính chất dự trữ, nền tảng để tạo ra lan tỏa. Tài sản sinh lời được đánh giá theo theo giá thị trường. Có những nước có hệ thống tốt thì đánh giá và kiểm toán hàng năm. Có những nước tiến hành đánh giá kèm kiểm toán tài sản quốc gia 3 hoặc 5 năm một lần. Bảng kiểm toán đó và cơ cấu tài sản được công khai, minh bạch cả trong nước và quốc tế. Đó cũng là hướng mà chúng ta tiến tới quản lý tài sản công. Dự thảo lần này đã đưa ra được đường hướng đó, để từng bước quản lý tài sản công. Ví dụ nhìn bảng tổng tài sản công và đánh giá tài sản công thì biết ngay ở đâu còn có khả năng khai thác, tiền cho đầu tư công còn nằm ở đâu?” – đại biểu Nguyễn Văn Bình nói.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Văn Bình thì dự thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, phù hợp với giai đoạn phát triển mới để quản lý tài sản công ngày một bài bản hơn, công khai minh bạch để toàn dân biết về tài sản quốc gia.

Chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng tán thành việc sửa đổi điều luật này, tuy nhiên cần thiết phải quy định cụ thể hơn tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. "Nếu quy định đến vấn đề hiện nay mà dư luân xã hội rất quan tâm như tiêu chuẩn, định mức đối với ô tô công ngay trong dự án luật này sẽ rất cần thiết" - đại biểu Cường nêu.

Về công khai tài sản công được quy định tại Điều 8, dự thảo Luật đã đưa ra một số hình thức công khai như đăng tải trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai và công bố tại các kỳ họp và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức cũng như với tài sản là vấn đề đang được quan tâm, đặc biệt trong Luật phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính. Công khai minh bạch tài sản là một trong những giải pháp tốt để phòng chống tham nhũng cũng như bảo đảm quản lý, sử dụng tài sản có hiệu quả.

Tuy nhiên, các hình thức công khai quy định như dự thảo Luật vẫn lạc hậu, chưa theo kịp các luật khác như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định nhiều hình thức công khai khác như thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức họp báo, cung cấp thông tin theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân phát hành ấn phẩm. Do đó, đại biểu Cường cho rằng nên có quy định bổ sung tại Điều về công khai tài sản.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/can-lam-ro-mot-so-van-de-trong-du-thao-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-nha-nuoc-sua-doi-post212699.info