Cần làm gì khi bị khủng bố đòi khoản nợ 'không vay'?

Thời gian gần đây, không ít người dù không đứng tên khoản vay cũng như không bảo lãnh cho người thân, nhưng liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa, khủng bố đòi nợ. Sự việc càng đi xa hơn khi các đối tượng đòi nợ thay vì công kích, làm phiền nạn nhân, lại tìm đến bạn bè, người thân thậm chí là cả lãnh đạo nơi làm việc để đòi tiền.

Suốt nhiều ngày liên tiếp, hàng chục cuộc gọi từ các số lạ từ sáng đến khuya từ ép buộc đến đe dọa để yêu cầu chị Nguyễn Thanh Thúy (Hà Nội) phải có trách nhiệm với khoản nợ của nhân viên trong công ty, điều đáng nói, nhân viên này đã xác nhận chưa từng vay khoản nợ này.

Nhiều cuộc gọi lạ khủng bố, đe dọa được gửi tới các nạn nhân

Chia sẻ với phóng viên, chị Thúy cho biết: "Họ có link được với bảo hiểm xã hội, họ biết được là bên công ty của tôi đang đóng bảo hiểm cho chị A đấy, tôi cũng không hiểu sao họ chỉ là một app vay tiền trên mạng thôi mà họ lại có thể link được thông tin từ các cơ quan nhà nước. Theo tôi thì cũng đáng để xem xét vì các chi tiết đó rõ ràng là bảo mật giữa công ty của tôi và cơ quan bảo hiểm xã hội mà tại sao lại lọt ra ngoài một cách dễ dàng".

Thậm chí có trường hợp, sau khi người thân bị đòi nợ, mới biết mình có khoản vay. Anh Đỗ Hồng Quân (Hà Nội) tâm sự: "Nó gọi điện, nhắn tin đến từng người lan truyền tôi nợ tiền với lại ghép ảnh các người nhà tôi lại với nhau xong tung lên từng comment trên Facebook là nợ tiền như thế nào, rồi gọi điện cho anh em bảo trả nợ cho tôi hoặc báo lại cho tôi để tôi xoay tiền trả còn tôi chẳng bị làm phiền gì".

Những tin nhắn đe dọa, thậm chí là công kích trực tiếp

Chia sẻ với phóng viên, các chuyên gia cho rằng, dù nạn nhân đã bị thiệt hại tài sản hay chưa thì việc các đối tượng trên tự ý thu thập thông tin cá nhân của người khác đã là trái phép và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, lỗ hổng trong khâu bảo mật thông tin cũng đang là mối lo ngại hàng đầu.

Những hành vi đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản được khép vào tội danh cưỡng đoạt tài sản

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, những nhóm đi đòi nợ mà họ có thông tin lý lịch cá nhân như tên, địa chỉ, số thẻ căn cước, số thẻ đóng thuế cho chính phủ thì chắc chắn họ phải có được những thông tin đó từ các cơ quan chức năng. Ông Hiếu cho rằng: "Ở đây có sự rò rỉ thông tin thì tôi không kết luận ai là thủ phạm làm rò rỉ thông tin nhưng tôi chắc chắn rằng những thông tin này bị rò rỉ ra và chúng ta cần có biện pháp chặn đứng lại sự lan truyền này".

Các hiện tượng gọi điện thoại hoặc sử dụng bất cứ hành vi nào nhằm uy hiếp người khác khiến họ sợ hãi nhằm chiếm đoạt tài sản thì những hành vi đó được khép vào tội danh cưỡng đoạt tài sản. Đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Lê Văn Thiệp - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Các chuyên gia khuyến nghị, để bảo vệ bản thân khi nghe điện thoại hay nhắn tin trả lời phía bên cho vay tiền cần phải khẳng định không có quan hệ vay mượn và không bảo lãnh cho người bạn của mình trong quan hệ vay mượn tiền với bên cho vay. Đồng thời yêu cầu bên cho vay chấm dứt ngay các hành vi nhắn tin, gọi điện cho mình. Mặt khác, cần lưu lại những tin nhắn, ghi âm các cuộc gọi để làm bằng chứng khi trình báo, tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/can-lam-gi-khi-bi-khung-bo-doi-khoan-no-khong-vay-229557.htm