Cần hơn 10.300 tỷ đồng để xử lý các dự án BOT giao thông

Bộ Giao thông Vận tải vừa báo cáo Chính phủ về giải pháp tổng thể xử lý khó khăn, vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ về những nguyên tắc, giải pháp tổng thể để xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý khó khăn bất cập đối với 8 dự án BOT.

Theo đó, hai giải pháp cơ bản đặt ra gồm: Bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án; Sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước đối với 3/8 dự án. Dự kiến, tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng hơn 10.300 tỷ đồng.

Cần hơn 10.300 tỷ đồng để xử lý các dự án BOT giao thông. Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì, lấy ý kiến các bộ, cơ quan và đã có báo cáo gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng về tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập các dự án BOT giao thông.

Ngoài các giải pháp đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang nghiên cứu, đánh giá tổng thể những tác động đối với các dự án BOT khi đưa các tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng, làm cơ sở để xây dựng, đề xuất giải pháp phù hợp.

Gần một năm vừa qua, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã nỗ lực triển khai thực hiện, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông và đã đạt được các kết quả nhất định, nhưng chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội. Nguyên nhân là do các dự án triển khai chủ yếu trong giai đoạn 2012 - 2015, thời điểm hệ thống pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP còn hạn chế, bất cập; quá trình rà soát, xác định trách nhiệm của từng dự án cần cẩn trọng.

Đến nay, sau đàm phán, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất về giải pháp xử lý, một số nhà đầu tư ban đầu đã thống nhất bổ sung vốn Nhà nước tham gia không quá 49% tổng mức đầu tư để tiếp tục thực hiện hợp đồng, một số nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ 50% tỷ suất lợi nhuận. Còn các ngân hàng tín dụng chỉ cam kết theo hướng sẽ chia sẻ với Nhà nước, nhà đầu tư... Đây là những khó khăn chưa thể thống nhất giải pháp xử lý hài hòa lợi ích các bên tham gia.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp thu, có báo cáo giải trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định giải pháp xử lý theo đúng thẩm quyền.

Ngoài các giải pháp đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang nghiên cứu, đánh giá tổng thể những tác động đối với các dự án BOT khi đưa các tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng, làm cơ sở để xây dựng, đề xuất giải pháp phù hợp.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-hon-10300-ty-dong-de-xu-ly-cac-du-an-bot-giao-thong-277663.html