Cần hỗ trợ người chăn nuôi trong việc 'chuẩn hóa' trang trại

Thời gian qua, các trang trại chăn nuôi xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp, cá nhân nào cũng đủ nguồn lực để xây dựng được trang trại đạt chuẩn điều kiện chăn nuôi.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra việc đảm bảo các điều kiện chăn nuôi tại một trang trại ở xã Hải Định, huyện Hải Lăng - Ảnh: T.L

Đỏ mắt” tìm trang trại đạt chuẩn

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đào Văn An cho biết, thời gian qua, chi cục thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra điều kiện hoạt động của các trang trại, cơ sở chăn nuôi. Trong đợt kiểm tra gần đây nhất, thành viên trong đoàn rất trăn trở khi “tìm đỏ mắt” mới có 1 trang trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.

Ngoài trang trại này, 40 trang trại vừa và nhỏ còn lại trong danh sách kiểm tra đều chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi. Các trang trại kể trên tập trung ở TP. Đông Hà và các huyện: Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Hướng Hóa.

Theo kết quả kiểm tra, các trang trại chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi chủ yếu là do chưa thực hiện đúng quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi. Nhiều chủ trang trại chưa triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Phần lớn các trang trại còn thiếu khu thu gom chất thải.

Việc xử lý chất thải rắn nguy hại chưa được các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, quản lý trang trại quan tâm. Trong quá trình hoạt động, một số trang trại thiếu sổ sách theo dõi trong chăn nuôi. Việc kê khai các hoạt động chăn nuôi chưa được các chủ trang trại quan tâm.

Trước đây, các trang trại trên địa bàn ra đời theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Kết quả là nhiều trang trại nằm ngay trong khu dân cư trở thành nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì trang trại không đáp ứng được điều kiện chăn nuôi nên việc đảm bảo an toàn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Tình trạng dịch bệnh phát sinh ở trang trại, rồi lây lan trên diện rộng thường xuyên xảy ra. Vì thế, việc xây dựng trang trại đạt chuẩn chăn nuôi trở thành yêu cầu bức thiết.

Từ thực tế ấy, các cấp, ngành, đơn vị liên quan rất quan tâm đến việc “chuẩn hóa” trang trại chăn nuôi. Những năm gần đây, khi Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ môi trường và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực thi hành, công tác quản lý cũng như nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng trang trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi được nâng lên. Một số doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các quy định liên quan để chủ động xây dựng trang trại đạt chuẩn. Công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt những trang trại chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi cũng được chú trọng hơn.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 697 trang trại chăn nuôi, trong có 23 trang trại quy mô lớn, 209 trang trại quy mô vừa và 465 trang trại quy mô nhỏ. Thời gian qua, các chủ trang trại đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để xây dựng trang trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 23 trang trại quy mô lớn được xác nhận đảm bảo điều kiện chăn nuôi. Trong số 209 trang trại quy mô vừa, 3/4 số trang trại đã được “chuẩn hóa”.

Trái ngược với tín hiệu vui kể trên, theo ghi nhận, phần lớn trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ trên địa bàn hiện vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn chăn nuôi. Thực tế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là phần lớn các trang trại không tách biệt với khu dân cư.

Lâu nay, hầu hết người dân chăn nuôi trong vườn nhà, sau đó phát triển dần về quy mô. Điều này dẫn đến việc hầu hết các trang trại không đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến các trang trại quy mô nhỏ không đảm bảo điều kiện chăn nuôi là do không có giấy phép môi trường. Theo phản ánh của người dân, chi phí để làm giấy phép môi trường là quá cao so với điều kiện của bà con. Vì thế, một số người chọn giải pháp “nhắm mắt làm ngơ” hoặc buộc phải giảm quy mô chăn nuôi.

Theo ông Đào Văn An, hiện nay, số lượng trang trại chăn nuôi nhỏ trên địa bàn tỉnh chiếm gần 67%. Vì thế, việc phần lớn các trang trại nhỏ không đảm bảo điều kiện chăn nuôi là vấn đề đáng quan tâm. Qua các chuyến kiểm tra, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận thấy, trong những quy định về điều kiện chăn nuôi, các chủ trang trại có thể khắc phục sớm, nhanh yêu cầu bổ sung sổ ghi chép, cập nhật nhật ký chăn nuôi; kiểm soát dịch bệnh; xử lý môi trường...

Tuy nhiên, yêu cầu thực hiện đúng quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi và có giấy phép môi trường là khá khó. “Để đảm bảo các điều kiện này, các chủ trang trại, đặc biệt là hộ nông dân phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, kinh phí... Trong khi đó, nguồn thu từ trang trại của một số doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh còn thấp. Đã thế, họ còn phải thường xuyên đối mặt với các nguy cơ đến từ thiên tai, dịch bệnh...”, ông An nói.

Trước thực tế trên, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ trang trại thực hiện đúng quy định đề ra. Việc khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào các trang trại chăn nuôi quy mô lớn là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các hộ dân khó khăn trong việc xây dựng, thực hiện lộ trình giúp trang trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi.

Đối với các trang trại quy mô nhỏ, không thể đảm bảo các tiêu chuẩn về điều kiện chăn nuôi, các cấp, ngành liên quan cần vận động, hướng dẫn người dân giảm quy mô, chọn nuôi các loại vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Các địa phương cần quy hoạch những khu vực chăn nuôi tập trung để hỗ trợ các hộ có điều kiện, nhu cầu chăn nuôi... Hy vọng những giải pháp trên sẽ trở thành lối mở giúp người dân phát triển kinh tế trang trại.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/can-ho-tro-nguoi-chan-nuoi-trong-viec-chuan-hoa-trang-trai/184232.htm