Cần giải quyết tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh, thậm chí đóng băng'

Chiều 17/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì họp báo, thông báo về những nội dung nổi bật của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 2 diễn ra cùng ngày.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh một số điểm nổi bật về Hội nghị.

Hội nghị lần này được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã thống nhất thông qua các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị hôm nay là bước triển khai trực tiếp đầu tiên yêu cầu của Trung ương.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần được Trung ương thống nhất rất cao là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân. Tinh thần này được quán triệt ngay từ khâu tổ chức, khi các đại biểu từ khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tuyệt đại đa số tại Hội nghị.

Cụ thể, trong số 2.000 đại biểu trực tiếp dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì có tới 1.500 đại biểu doanh nghiệp tư nhân.

“Chúng ta đã xác định doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế; cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp tư nhân chính là đối tượng cần nhất điều này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo

Liên quan đến câu chuyện thanh tra, kiểm tra tránh chồng chéo gây phiền hà cho doanh nghiệp, ngay khi hội nghị đang diễn ra Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành chỉ thị 20 để tranh tình trạng như phản ánh của daonh nghiệp là 1 tháng bị thanh tra kiểm tra 3 lần, hay bị thanh tra, kiểm tra 12 lần trong năm.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Chỉ thị 20 là trong 1 năm chỉ được thanh tra, kiểm tra 1 lần hoặc kiểm toán 1 lần. Các ngành như cơ quan công an liên quan đến thanh tra phòng cháy, chữa cháy, Sở Tài nguyên Môi trường liên quan môi trường, ngành thuế… thì gửi kế hoạch thanh tra đến thanh tra tỉnh để tổng hợp, lên kế hoạch thanh tra trong năm, trình UBND tỉnh, TP.

“Như vậy hàng năm Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra doanh nghiệp trên địa bàn”, Bộ trưởng Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, khi các cơ quan phát hiện có thanh tra, kiểm tra chồng chéo, lúc đó Chủ tịch UBND tỉnh, TP sẽ giải quyết. Nếu không giải quyết thì chuyển lên cơ quan thẩm quyền cao hơn.

Trường hợp thanh tra đột suất chỉ thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm nhưng dấu hiệu đấy phải rõ ràng, phải có chứng cứ, quả tang.

“Nếu để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra không đúng với tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nêu rõ.

Các bộ ngành đã trả lời một số câu hỏi được báo chí quan tâm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có chế độ giám sát cơ chế, chế tài xử lý những đơn vị không thực hiện cam kết, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Chỉ thị 20 về việc hạn chế thanh tra chồng chéo đối với doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngay trong ngày diễn ra Hội nghị.

“Chính phủ đã bàn đến việc này và cần thực hiện nghiêm túc việc “trên nóng (cấp Trung ương), dưới lạnh, thậm chí đóng băng” trong cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13 của Chính phủ. Có biện pháp mạnh đối với những vi phạm của cán bộ, công chức có thể là chuyển công tác, thậm chí cách chức công chức đó. Với sự giám sát của toàn dân và của doanh nghiệp. Các cơ quan thực thi pháp luật. Còn doanh nghiệp làm cán bộ hư cũng cần phải xử lý”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hải Sơn

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/tin-nhanh/co-tinh-trang-tren-nong-duoi-lanh-tham-chi-dong-bang-d112612.html