Cần giải pháp tích cực hơn cho xăng sinh học

Theo lộ trình của Bộ Công Thương, từ ngày 1-1-2018, xăng A92 sẽ được loại bỏ để thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5. Trên thực tế, việc cung cấp và sử dụng xăng sinh học vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Cá nhân tôi mỗi khi đến cây xăng nào cũng đều đề nghị được đổ xăng E5 nhưng không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Ở một số nơi, xăng E5 có được hai trụ (trong số 6-8 trụ), coi là như là nhiều; một số nơi chỉ có một trụ và có nơi hoàn toàn không bán loại xăng này; hoặc có nơi có trụ xăng E5 nhưng lại không bán vì “hết xăng”. Có lẽ do quá ít người đổ loại xăng này nên cây xăng không nhập hàng về nữa. Tôi hỏi dò thì được biết nhiều người nghi ngờ chất lượng xăng E5, phần lớn người dùng là giới taxi, do giá thường rẻ hơn các loại xăng khác vài trăm đồng mỗi lít. Trong khi đó, nhiều người khác vẫn không biết là có loại xăng sinh học, hoặc không quan tâm loại xăng này có gì khác với xăng thường, miễn cứ đổ xăng nào chạy được thì thôi!

Từ năm 2011, nước ta đã có chính sách sử dụng xăng sinh học E5 (gồm hàm lượng ethanol 5% và 95% xăng A92) thay thế cho xăng A92 truyền thống. Công tác tuyên truyền cũng đã được thực hiện liên tục từ đó đến nay; giá xăng sinh học có lúc được điều chỉnh rẻ hơn xăng A92 khoảng 500 đồng/lít (hiện nay thì chỉ trên dưới 200 đồng/lít). Nhà nước cũng từng có lộ trình thay thế hoàn toàn xăng A92. Theo kế hoạch gần đây nhất là kể từ ngày 1-6-2016, tất cả các điểm bán xăng dầu tại tám tỉnh thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu đều phải bán xăng E5 thay thế xăng A92. Thế nhưng kế hoạch này đã không thực hiện được do xăng E5 vẫn còn khá xa lạ với người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, lộ trình thay thế vào đầu năm 2018, thật ra, vẫn không có tính khả thi cao.

Rõ ràng, công tác tuyên truyền về hiệu quả và ích lợi nhiều mặt khi sử dụng xăng E5 làm chưa tốt. Nhiều người vẫn cho rằng với tỷ lệ 95% xăng A92 thì về cơ bản vẫn là xăng A92, bởi 5% ethanol là chỉ số quá thấp, không có tác động đáng kể về mặt giảm chi phí cũng như về việc bảo vệ môi trường. Hoặc cũng có người thấy xăng E5 chỉ rẻ hơn vài trăm đồng mỗi lít, không cần thiết phải cân nhắc, lựa chọn; trong khi một số người khác thì e ngại về khả năng xảy ra sự cố khi xài xăng E5.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, có thay đổi được thói quen sang sử dụng xăng E5 thì mới dần chuyển sang sử dụng các loại xăng sinh học khác như E10, E15, E20... mà nhiều nước đang sử dụng. Trong khi đó, áp lực về bảo vệ môi trường ở nước ta ngày càng nặng nề, việc giảm được chút nào về các loại khí thải độc hại đều có ý nghĩa tích cực.

Nước ta đã đạt được những bước quan trọng khi thay thế hoàn toàn xăng có chì vào năm 2001, đến năm 2014 thì cấm hoàn toàn xăng không chì A83. Như vậy, một chủ trương đúng sẽ được xã hội ủng hộ nếu kết hợp đồng thời nhiều biện pháp về tuyên truyền, kinh tế, hành chính... Để xăng sinh học có thể thay thế hoàn toàn xăng A92 từ năm 2018 theo lộ trình, thiết nghĩ cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang thông tin điện tử của các cơ quan chức năng, qua mạng xã hội...; trong đó cần nhấn mạnh việc sử dụng xăng sinh học là xu thế chung, là góp phần bảo vệ môi trường, là tăng hiệu quả kinh tế... Song song đó, cần mạnh dạn giảm giá bán xăng E5 nhiều hơn nữa để kích thích tiêu dùng, đồng thời có biện pháp hành chính bắt buộc các cây xăng phải bán xăng E5 với tỷ lệ ngày càng nhiều hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán xăng sinh học sao cho bảo đảm chất lượng, hạn chế tới mức thấp nhất các sự cố có thể xảy ra...

Ở một khía cạnh khác, việc sử dụng xăng sinh học phổ biến còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, bởi nguồn gốc loại xăng này có một phần đáng kể từ một số loại nông sản.

Rõ ràng, sử dụng xăng sinh học là “lợi đơn, lợi kép” cho cá nhân và cho toàn xã hội!

Nguồn:Trịnh Minh Giang/Thời báo kinh tế Sài Gòn

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/cong-nghiep/can-giai-phap-tich-cuc-hon-cho-xang-sinh-hoc-678962.html