Cần giải pháp bền vững giảm tai nạn giao thông đường sắt

5 tháng đầu năm xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt; trong đó 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở chiếm 46%, 27 vụ xảy ra dọc đường sắt chiếm 40% và 10 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động chiếm 15%.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn đường sắt vẫn do ý thức người tham gia giao thông, mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhiều. Ảnh minh họa: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), qua thống kê, 5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt; trong đó 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở chiếm tỷ lệ 46%, 27 vụ xảy ra dọc đường sắt chiếm tỷ lệ 40% và 10 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động chiếm tỷ lệ 15%.

Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn đường sắt vẫn do ý thức người tham gia giao thông, mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhiều. Vì thế, giải pháp hữu hiệu là đầu tư các công trình hạ tầng nhằm ngăn ngừa người, phương tiện vượt ẩu, đi lại trên đường sắt.

Theo Phó Tổng giám đốc Phan Quốc Anh, ngày 10/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, đề ra lộ trình cụ thể với nhiều giải pháp về hạ tầng như làm hàng rào, đường gom, cầu vượt, hầm chui, mở đường ngang... Đồng thời, nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở. Đây là các giải pháp căn cơ để giảm thiểu các nguy cơ uy hiếp đến an toàn giao thông đường sắt, tuy nhiên hiện đang triển khai rất chậm.

Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách để nâng cấp lối đi tự mở thành đường ngang.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tại Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 297 đường ngang hiện đang là các lối đi tự mở. Việc xây dựng đường ngang mới (nâng cấp, cải tạo lắp đặt thiết bị thành đường ngang cảnh báo tự động hoặc đường ngang có người gác) sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn trung hạn mới chỉ tập trung thực hiện nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt, nhà ga, bãi hàng... nhằm tăng năng lực chạy tàu và đáp ứng yêu cầu về vận tải đường sắt. Các hạng mục công trình theo lộ trình tại Đề án chưa được ưu tiên thực hiện.

Giải pháp bền vững giảm tai nạn giao thông đường sắt là phải cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép. Đồng thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Để sớm đảm bảo an toàn giao thông tại 297 lối đi tự mở này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động kinh tế đường sắt thực hiện từ năm 2024, hoàn thành năm 2025 để tổng công ty hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, lắp đặt thiết bị tín hiệu tại 297 lối đi tự mở thành đường ngang. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 750 tỷ đồng.

“Việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động kinh tế đường sắt để thực hiện các công trình này ngay từ năm 2024 và hoàn thành trong năm 2025 là phù hợp với tiến độ thực hiện theo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng Chính phủ. Công trình hoàn thành sớm sẽ xóa bỏ được 297 vị trí tiềm ẩn nguy cơ rất cao về mất an toàn giao thông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước”, VNR nhìn nhận.

Liên quan đến việc triển khai Quyết định 358/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Uông Đình Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm.

Quá trình thi công các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn trung hạn cũng đã hỗ trợ tích cực xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm. Qua hơn 3 năm triển khai Quyết định 358/QĐ-TTg, đã xóa bỏ được hơn 500 lối đi tự mở.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại hơn 3.500 lối đi tự mở. Công tác xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách đường bộ, đường sắt mới được hơn 8,5/650 km; xây dựng được 4/297 đường ngang.

“Cục Đường sắt Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng một số địa phương chưa hoặc chậm thực hiện. Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn thực hiện các hạng mục công việc theo kế hoạch”, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho hay.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, giải pháp bền vững giảm tai nạn giao thông đường sắt là phải cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép. Đồng thời xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép.

Đặc biệt, khi có các khu vực phát triển mới như khu công nghiệp, khu dân cư thì mới cho phép phát sinh giao thông đường ngang, chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như Ban An toàn giao thông địa phương, Cục Đường sắt và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để có phương án bảo đảm an toàn giao thông đường sắt cho người dân…

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cùng với các biện pháp trên, chúng ta vẫn phải kiên trì tuyên truyền, giáo dục các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân. Nội dung này cũng cần được tăng cường trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Với những người cố tình vi phạm, phải xử lý thật nghiêm và truyền thông rộng rãi tới người dân. Về lâu dài, chúng ta cần phải có đường sắt quốc gia mới, hai làn, kiểm soát giao cắt, tốc độ cao./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/can-giai-phap-ben-vung-giam-tai-nan-giao-thong-duong-sat/295336.html