Cần đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển các sản phẩm OCOP.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất.

Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 5/11, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu thực tế phát triển Chương trình OCOP và đề xuất các giải pháp kết nối tiêu thụ

“Người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Do vậy, việc xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền đóng vai trò quan trọng để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Tuấn cho biết.

Thực tế thời gian qua, danh mục các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng.

Sản phẩm OCOP từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu và giá bán ngay cả vào những thời điểm khó khăn vì dịch bệnh; góp phần cải thiện thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân thành thị, nông thôn, các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Danh mục các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc

Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng thừa nhận một thực tế là nhìn chung việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các HTX, DN, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp. Thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao.

“Sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng. Lợi thế của các tỉnh, thành và đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19”, ông Tuấn nêu.

Chỉ ra những khó khăn tồn tại trong phát triển sản phẩm OCOP, ông Đặng Quý Nhân, Phó Phòng Quản lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP - Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thời gian qua số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Nguồn lực triển khai chủ yếu vẫn là lồng ghép với cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ.

“Sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa được chủ động, nhất là hoạt động đổi mới sách tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả những vẫn còn hạn chế so với tiềm năng. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, nên chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc. Công tác quản lý, giám sát sản phẩm OCOP sau khi được công nhận vẫn còn là vấn đề nổi cộm cần được quan tâm và đẩy mạnh”, ông Nhân chỉ ra.

Các chủ thể ký Thỏa thuận hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng cần tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.

Cùng với đó cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa. Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. “Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH và nâng cao thu nhập của người dân”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Tuấn, công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cần tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó chú trọng nhiều hơn nữa vào công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.

Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là HTX, 24,2% là DN, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP. Điển hình như vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng ĐBSCL chiếm 18,4%.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/can-dua-cac-san-pham-ocop-den-gan-hon-voi-nguoi-tieu-dung-post1063605.vov