Cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa bão

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (KTTVTƯ) cho biết, trong những tháng cuối năm 2014, hiện tượng El Nino có khả năng tiếp diễn đến các tháng đầu năm 2015, có cường độ trung bình so với các đợt El Nino đã xuất hiện trong khoảng 50 năm gần đây. Do vậy, khả năng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ít hơn bình thường, mùa mưa ở các khu vực kết thúc sớm.

Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại 3.300 tỉ đồng

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVTƯ cho biết: "Tính từ nửa cuối tháng 8 đến hết năm 2014, có khả năng còn 5-6 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó, khoảng 2-3 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Hoạt động của bão, ATNĐ trong các tháng tiếp theo của năm 2014, tiềm ẩn những yếu tố bất thường, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, do tác động của hiện tượng El Nino đang có dấu hiệu xuất hiện ngày càng rõ rệt".

BĐBP Lạng Sơn trao quà cho một gia đình bị sập nhà do bão số 2 năm 2014. Ảnh: Văn Toàn

Cũng theo ông Cường, lượng mưa các tháng tới có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Có khả năng mùa mưa ở Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ kết thúc sớm hơn so với bình thường. Trong các tháng của mùa khô năm 2014-2015, cần đề phòng khả năng khô hạn diễn ra trên phạm vi toàn quốc nói chung và khu vực vùng núi phía Bắc nói riêng. Lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trên một số sông, suối nhỏ ở vùng núi, thượng nguồn các sông thuộc Trung bộ, Tây Nguyên.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương cho biết, từ năm 2000 đến 2014, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở đất, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người. Ước tính tổng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra lên tới 3.300 tỉ đồng.

Nhận định về tình hình lũ quét, sạt lở đất, ông Cường cho rằng: Trong những năm gần đây, lũ quét sạt lở đất với các đặc điểm bất ngờ, nhanh, có sức tàn phá lớn, thường xảy ra ở các lưu vực nhỏ và vừa ở vùng núi cao phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngày càng tăng về tần suất lẫn cường độ. Ở vùng núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra trong khoảng tháng 6-10, tập trung vào đầu mùa lũ (tháng 6, 7). Lũ quét thường xảy ra trong tháng 10 trên thượng nguồn các sông thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh.

Do cường độ mưa lớn đều tăng trong các tình huống lũ, lụt nên nguy cơ hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi Bắc bộ, Bắc Trung bộ tăng cao cả về diện và tần suất. Những nơi có khả năng rủi ro cao do lũ quét là các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn vì tình trạng mặt đệm xuống cấp nghiêm trọng, thảm phủ rừng và điều kiện địa chất, bề mặt đất dễ biến đổi.

Nguyên nhân tự nhiên gây lũ quét, sạt lở đất là rõ ràng, nhưng những hoạt động của con người (chặt phá rừng đầu nguồn, biến đổi mặt đệm...) đã làm hiểm họa này tăng cao hơn, thiệt hại nghiêm trọng hơn.

"Mặc dù rất khó có thể kết luận về việc biến đổi khí hậu (BĐKH) là nguyên nhân trực tiếp gây ra lũ, lũ quét, sạt lở đất trong những năm gần đây, nhưng rõ ràng cường độ, tần suất, phạm vi của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có nhiều diễn biến phức tạp. Chẳng hạn, lượng mưa và dòng chảy nói chung trong các tháng từ đầu năm 2014 đến nay, suy giảm trên hầu khắp các tỉnh Bắc bộ, nhưng vẫn xuất hiện lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn tập trung trong khu vực nhỏ hoặc trong thời gian ngắn, đã gây thiệt hại về người và tài sản, điển hình là các trận lũ và sạt lở đất tại Hà Giang rạng sáng 21-7, trận lũ quét tại Lai Châu đêm 12-8" - Ông Cường nói.

Lập bản đồ "vùng nguy hiểm" về lũ quét, sạt lở đất

Theo kết quả điều tra, đánh giá phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc hiện có 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó, 2.110 điểm nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Bộ TN&MT đã chuyển giao kết quả điều tra, phân vùng cảnh báo khả năng lũ quét, trượt lở đất đá và các bộ bản đồ kèm theo cho những địa phương này để phòng tránh.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người chết, nhà đổ sập do lũ quét, sạt lở đất gây ra. Thậm chí có địa phương thiệt hại về bão không đáng kể, nhưng lại mất nhiều người và tài sản vì hoàn lưu của bão gây mưa lũ, sạt lở đất. Từ đầu năm 2014 đến nay mưa lũ và sạt lở đất sau bão số 2 đã làm chết và mất tích 32 người, trong đó, 21 người chết, mất tích do lũ, 7 người chết do sạt lở đất.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lũ quét và sạt lở đất năm 2014, tổ chức ngày 20-8, đa số đại biểu cho rằng, cùng với việc rà soát, di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, cần tăng cường bảo vệ rừng, sửa chữa, nâng cấp các hồ đập. Tuy nhiên, nguồn kinh phí dành cho công tác này còn rất thiếu.

Đại diện tỉnh Lai Châu đề nghị: "Tăng cường, cân đối thêm vốn để đưa nội dung phòng chống sạt lở đất vào chương trình xây dựng NTM, đồng thời, tăng thêm kinh phí chi trả môi trường rừng lên mức 20 hoặc 30 đồng/kw điện".

Trong thời gian tới, công tác phòng chống lũ quét, sạt lở đất theo hướng phòng là chính. Người dân cùng tham gia đánh giá rủi ro thiên tai tại địa phương, phát triển các hệ thống cảnh báo cộng đồng, tận dụng kinh nghiệm bản địa để xác định các khu vực có nguy cơ cao, đề xuất giải pháp phòng chống.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cần cập nhật thêm việc bố trí dân cư, công trình cơ sở hạ tầng vào bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá của Bộ TN&MT. Trên cơ sở đó, mỗi lần có bão, lũ và mưa lớn, có thể dự báo được cơn bão đó sẽ đi qua bao nhiêu khu dân cư, bao nhiêu vạn dân cần phải sơ tán.

Đồng thời, cần thực hiện sơ tán, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, trang bị đủ thông tin, kiến thức về nguy cơ đe dọa đối với cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Bên cạnh đó, cần tập huấn và hướng dẫn người dân cách ứng phó với thiên tai.

X.H

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/baobienphong/news/can-de-phong-nguy-co-lu-quet-sat-lo-dat-trong-mua-mua-bao/26783.bbp