Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Nửa chặng đường của năm 2023 đã đi qua, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công (VĐTC) trên địa bàn tỉnh Yên Bái mới đạt 35,1% kế hoạch giao (thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn so với kịch bản đề ra). Vì vậy, cần sự nỗ lực lớn hơn nữa từ các cấp, ngành chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu.

Công trình kè Suối Dài khu vực tổ 6, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. (Ảnh: Thủy Thanh)

Năm 2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh là hơn 5.845 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương khoảng hơn 2.788 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh đã giải ngân đạt trên 2.052 tỷ đồng, bằng 35,1% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân này thấp hơn so với kịch bản (kịch bản giải ngân 50%), thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 42%).

Riêng đối với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao giải ngân đạt trên 1.495 tỷ đồng trên kế hoạch 3.790 tỷ đồng, bằng 39,4% và Yên Bái đứng thứ 13/63 địa phương cả nước về giải ngân VĐTC. Về tình hình giải ngân khối huyện, đến hết tháng 6/2023, các địa phương đã giải ngân đạt trên 1.119 tỷ đồng/kế hoạch hơn 2.630 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch vốn giao.

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: huyện Yên Bình 54,5%; huyện Mù Cang Chải 52,8%; huyện Văn Chấn 47,7%. Trái ngược với kết quả giải ngân khối các địa phương, kết quả giải ngân các đơn vị cấp tỉnh đạt rất thấp và đến nay các sở, ngành mới giải ngân được hơn 861 tỷ đồng/tổng kế hoạch vốn là hơn 3.133 tỷ đồng, đạt 27,5% kế hoạch.

Một số đơn vị chủ đầu tư có kết quả giải ngân rất thấp như: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh 20,1%, Sở Y tế 18,7% Sở Tài nguyên Môi trường 18,7%... Nhiều yếu tố dẫn đến giải ngân chậm; trong đó, phải kể đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Theo đánh giá, mặc dù công tác GPMB đã được quan tâm. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn nên một số dự án còn chậm như: đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án thành phố Yên Bái; nút giao IC13 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối quốc lộ 32 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14).

Một số dự án không có chính sách hỗ trợ, bồi thường khi thực hiện thu hồi đất, việc GPMB thực hiện trên cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất nên khó khăn trong tổ chức thực hiện như: đường Sơn Lương - Nậm Mười - Sùng Đô, huyện Văn Chấn; cải tạo đường nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).

Cùng đó, trong quá trình đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, các dự án lưới điện hoặc triển khai các dự án trồng dược liệu các địa phương; trong đó, có tỉnh Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn do liên quan đến chuyển đổi rừng tự nhiên (theo quy định tỉnh không được chuyển đổi) hoặc liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chuyển đổi đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thời gian chấp thuận từ khi gửi hồ sơ lần đầu mất khoảng 1 - 2 năm, do đó, kéo dài thời gian thực hiện dự án, như: đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được coi là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đang gặp khó. Với mục tiêu đến hết quý III/2023 giải ngân đạt trên 75% kế hoạch; đến hết quý IV giải ngân đạt trên 95% kế hoạch, tỉnh yêu cầu các ban, sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; các chương trình, văn bản có liên quan tới thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước năm 2023.

Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt đối với các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án…

Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện rà soát, tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn bảo đảm linh hoạt, hiệu quả theo hướng điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm hoặc giải ngân không đạt tiến độ cam kết để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt nhưng chưa được bố trí đủ vốn; trong đó, ưu tiên các dự án quan trọng, trọng điểm, đối ứng các dự án ODA, đề án phát triển giao thông nông thôn bảo đảm kịch bản giải ngân chung của tỉnh...

Hơn nữa, các địa phương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là việc phối hợp, bố trí đủ nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB phục vụ thi công công trình trên địa bàn quản lý; việc thực hiện công tác GPMB theo hướng làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu thì thẩm định, phê duyệt, chi trả tới đó; có mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công đến đó; tích cực vận động, khuyến khích người dân hiến đất cho các dự án để sớm hoàn thành GPMB, nhất là các dự án giao thông tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/297004/can-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong.aspx