Cần đặc biệt quan tâm về thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm của ngành tư pháp

Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân khi thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp và chế độ đãi ngộ tương xứng

Chiều 21/11, phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) bày tỏ thống nhất cao với các báo cáo của ngành tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Nhằm đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn của ngành tư pháp, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân góp ý đối với 5 kiến nghị của Viện kiểm sát (VKS) và 5 khó khăn của Tòa án nhân dân (TAND) tại Báo cáo số 110 cần được Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 để các cơ quan có liên quan thực hiện.

Đại biểu cho rằng, báo cáo những năm qua đã ghi nhận các hạn chế này nhưng đến nay nhiều nội dung chưa đưa vào giải quyết. Đơn cử báo cáo của hai cơ quan TAND và VKS đều nêu khó khăn về biên chế, tài chính chưa được bố trí, nhiều áp lực, chưa đảm bảo thực thi nhiệm vụ. Do đó, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân quan tâm nhất về thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm, bao gồm cả vị trí, việc làm về chức danh tư pháp và vị trí, việc làm về hành chính, công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu số trong toàn ngành, tình trạng cán bộ ngành tư pháp nghỉ việc và nguyên nhân cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo cho một biên chế trong từng ngành tư pháp và đảm bảo cho hoạt động thực tế của ngành theo luật định.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân thảo luận.

Do vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị pháp luật cần quy định rõ hơn nội dung do ngân sách nhà nước của địa phương đảm bảo mức nào, hỗ trợ ra sao cho các cơ quan tư pháp cùng cấp để hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, kiến nghị nếu chưa có giải pháp bố trí đầy đủ biên chế cho ngành tư pháp ở các cấp thì cần có cơ chế tài chính đảm bảo để Tòa án nhân dân, VKSND các cấp thuê mướn nhân lực, dịch vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại, nhất là trong lĩnh vực số hóa hồ sơ, tống đạt các quyết định công nghệ thông tin, thực hiện các nhiệm vụ mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp và chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với số lượng, tính chất công việc, địa bàn phát triển. Điều này chính là cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là với đội ngũ thẩm phán.

Toàn cảnh phiên họp.

Đồng thời, Đại biểu cho rằng, cần sớm nghiên cứu ban hành Luật Thừa phát lại đã được Quốc hội khóa XIII giao cho Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân xây dựng Luật Thừa phát lại trong Quốc hội khóa 14 nhưng đến nay còn chậm.

Cần mạnh tay xử lý đối với tình trạng vi phạm pháp luật trong ngành tư pháp

Cũng phát biểu tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Siu Hương (đoàn Gia Lai) đánh giá cao kết quả đạt được về công tác tư pháp trong thời gian qua. Đặc biệt, chưa phát hiện các trường hợp oan sai trong thực hiện chức năng tố tụng của các cơ quan. Đại biểu cho rằng, đây là điều đáng mừng trong tình hình tội phạm ngày càng gia tăng hiện nay.

Để để công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả hơn, Đại biểu Siu Hương đề nghị báo cáo cần thể hiện nhiều hơn các kiến nghị để hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đại biểu làm rõ, trong tình hình hiện nay, tình trạng nhiều loại tội phạm gia tăng về số lượng và quy mô, vì vậy cần có kiến nghị về mặt thể chế để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao hơn.

Đại biểu Quốc hội Siu Hương phát biểu.

Đại biểu đặt vấn đề: “Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, tội tham ô tài sản, Điều 353 thì hành vi chiếm đoạt tài sản có giá từ 2 triệu đồng đã cấu thành tội phạm có còn phù hợp với tình hình phát triển của xã hội hiện nay? Đây là một kiến nghị để có cách nhìn sâu hơn về sự phát triển của xã hội để chỉnh sửa luật cho phù hợp”.

Về công tác tổ chức bộ máy, qua thực tiễn, các báo cáo chưa thể hiện được sự bất cập về tổ chức bộ máy. Tại kỳ họp này, Quốc hội đang tiến hành thảo luận cho ý kiến sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Theo Đại biểu Siu Hương, báo cáo chưa bao quát được toàn bộ nội dung đề nghị cần bổ sung những bất cập về công tác tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ là một trong những cơ sở thực hiện sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân như tên gọi của hệ thống Tòa án địa phương.

Ngoài ra, Đại biểu Siu Hương cũng nhấn mạnh về sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bởi theo báo cáo của Chính phủ và thực tiễn giám sát đã bộc lộ nhiều vấn đề về tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đối với công tác tư pháp lại chưa thể hiện vấn đề này. Thực tiễn hoạt động hướng dẫn trong nội bộ ngành tòa án, tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong thực tiễn áp dụng thi hành Luật.

Đại biểu Siu Hương cũng đề nghị cần mạnh tay xử lý đối với tình trạng vi phạm pháp luật trong ngành tư pháp, bảo vệ pháp luật, góp phần bảo vệ chế độ, quyền lợi chính đáng của các chủ thể; tăng cường hơn nữa đối với công tác giáo dục đạo đức công vụ.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-dac-biet-quan-tam-ve-thuc-trang-bien-che-va-nhu-cau-vi-tri-viec-lam-cua-nganh-tu-phap-post273379.html