Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp nào?

Luật Căn cước quy định căn cước điện tử (CCĐT) bị khóa trong các trường hợp, gồm khi người được cấp CCĐT yêu cầu khóa hoặc vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia…

Luật Căn cước được Quốc hội thông qua vào ngày 27.11.2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024, trong đó quy định rõ về cấp, quản lý CCĐT.

Cụ thể, mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 thẻ CCĐT có danh tính điện tử và các thông tin quy định.

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp CCĐT.

Theo Bộ Công an,Điều 33 của Luật quy định rõ CCĐT có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào CCĐT của người được cấp, để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công... - Ảnh: Internet

Các trường hợp khóa, mở khóa CCĐT

Luật quy định CCĐT bị khóa trong các trường hợp, gồm khi người được cấp thẻ yêu cầu hoặc khi vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia.

Thẻ còn bị khóa trong trường hợp CCĐT bị thu hồi, bị tạm giữ; khi người được cấp CCCD chết; khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

CCĐT được mở khóa trong các trường hợp, gồm khi người được cấp thẻ yêu cầu; khi người được cấp thẻ khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; được trả lại thẻ căn cước; khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 34 yêu cầu mở khóa.

Ngoài ra, khi khóa CCĐT đối với trường hợp quy định tại các điểm thuộc điều luật này, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa thẻ.

Kết nối, khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử

Ngoài ra, Luật cũng quy định việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Cụ thể, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua nền tảng định danh và xác thực điện tử.

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia, trang thông tin định danh điện tử, thẻ căn cước bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ Công an.

Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với tổ chức, cá nhân khác qua ứng dụng định danh quốc gia, hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/can-cuoc-dien-tu-bi-khoa-trong-cac-truong-hop-nao-216795.html