Cần cù, tiết kiệm, thành công

Từ năm 2011 đến nay, anh Nguyễn Vĩnh Toàn ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có hai đợt đi lao động ở Hàn Quốc, mỗi đợt 4 năm 10 tháng. Sang Hàn Quốc, anh chuyên làm thợ hàn khung sườn ghế xe ô tô. Sau gần 10 năm, anh dành dụm được khoảng 4 tỷ đồng dùng để xây căn nhà khang trang và mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt.

Anh cũng dành một phần tiền làm vốn mở dịch vụ nấu cỗ các đám tiệc, tạo việc làm cho 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Anh Toàn chia sẻ: “Hiện tại, tôi đã đăng ký tiếp tục đi làm ở Hàn Quốc và đang chờ công ty trả lời. Nếu không đi được, tôi sẽ mở rộng kinh doanh, buôn bán ở quê”.

Lãnh đạo huyện Tam Nông thăm, chúc mừng anh Hoàng Đình Hưng (bên phải) ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Anh Hoàng Đình Hưng (ở thị trấn Tràm Chim) cũng đi lao động ở Hàn Quốc từ năm 2005 đến 2010. Hết hợp đồng, anh về nước và tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng. Đến năm 2017, anh đầu tư xây dựng nhà dẫn dụ chim yến và chế biến các sản phẩm yến sào mang thương hiệu Tràm Chim. Anh cũng đã nộp hồ sơ đăng ký mã vạch và chứng nhận OCOP cấp tỉnh để quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm. Theo anh Hưng, khi qua nước ngoài làm việc thì phải chấp hành tốt nội quy của công ty và pháp luật nước sở tại, tuân thủ nghiêm hợp đồng lao động; đồng thời, chăm chỉ làm việc, tiết kiệm tích lũy vốn gửi về gia đình để sau này về nước tính phương án sản xuất, kinh doanh.

Nhiều năm trở lại đây, huyện Tam Nông luôn làm tốt công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Bình quân, mỗi lao động gửi về gia đình 15-35 triệu đồng/tháng, giúp thay đổi cuộc sống và diện mạo quê hương. Không những thế, họ còn được nâng cao tay nghề, kỷ luật lao động, tạo lập hướng đi riêng cho bản thân sau khi về nước. Đến nay, toàn huyện có 332 người mở được công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi hết hạn hợp đồng và đều làm ăn hiệu quả; đứng thứ hai trong tỉnh về công tác này. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, cấp ủy, chính quyền địa phương coi công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. “Để làm tốt việc này, chúng tôi tổ chức điều tra, rà soát nắm chắc những trường hợp chưa có việc làm hoặc có việc làm rồi mà vẫn có nhu cầu đi tiếp. Sau đó, lập danh sách, phân loại để phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền, vận động giúp bà con hiểu rõ, mạnh dạn đưa người thân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chúng tôi khuyến khích bà con tham gia thị trường lao động ở các quốc gia tốt nhất như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ba Lan”, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt thông tin.

Bài và ảnh: TRẦN TRỌNG TRUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/can-cu-tiet-kiem-thanh-cong-767719